Bạn đọc viết

Cộng đồng cần tỉnh táo

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:30 - Chia sẻ
Trước thực tế nhiều video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân.

Thời gian qua, không ít chủ nhân của các video nhảm nhí đã phải trả giá. Mới đây, chủ tài khoản YouTube Hưng Vlog - Nguyễn Văn Hưng (trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) hai lần đăng tải video clip "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết" đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau đó chủ tài khoản Hưng Vlog vẫn tiếp tục đăng tải clip tương tự, "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết". Một số ý kiến cho rằng, video này của Hưng Vlog cổ vũ cho hành động ăn cắp, cho dù đó là lấy tiền của em gái. Xét thấy đây là hành vi tái phạm, cần xử lý nghiêm, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Hưng Vlog.

Nguyễn Văn Hưng không phải là trường hợp duy nhất phải nộp phạt sau những video nhảm nhí, giật gân. Cách đây khoảng 1 năm, Ngô Bá Khá (biệt danh là Khá Bảnh, sinh năm 1993, trú tại Bắc Ninh) tung clip đập nát xe máy 70 triệu đồng, châm lửa đốt. Ngay sau video được đăng lên mạng xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã triệu tập và xử lý Khá Bảnh.

Có thể thấy, mức xử lý đối với hành vi này tương đối cao, tuy nhiên trên các nền tảng YouTube, Facebook... vẫn còn tràn lan video nội dung được cho là nhảm nhí, giật gân, gây nhiều tác hại cho xã hội. Những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống. Điều đáng báo động là phần lớn clip dạng đó lại được đông đảo người trẻ hưởng ứng, chia sẻ, tương tác rất nhanh, thu về cả hàng triệu lượt xem, cùng với đó là khoản lợi nhuận khá lớn mà chủ kênh sẽ thu về.

Theo thống kê, doanh thu từ quảng cáo của các chủ kênh tại Việt Nam dao động từ 0,5 - 1 USD/1.000 lượt xem. Ước tính, mỗi video có 1 triệu lượt xem có thể mang về cho chủ tài khoản gần 20 triệu đồng. Nếu con số này nhảy vọt trên 10 triệu lượt xem thì số tiền kiếm được có thể tăng lên gấp 5 lần trong mỗi tháng. Chính vì vậy, đa phần chủ tài khoản khát khao kiếm tiền, làm clip bất chấp nội dung phản cảm, kích thích trí tò mò của người xem bằng nhiều cách thức khác nhau.

Thạc sĩ Đinh Hồng Anh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, việc các kênh video phản cảm tồn tại trong thời gian dài, thu hút lượt xem khủng một phần là do người dùng mạng. Dưới góc độ tâm lý, người xem theo dõi nhiều các kênh này xuất phát từ tính tò mò với những gì lạ, giật gân, mang tính giải trí cao. Tác hại rõ rệt nhất có thể thấy là chúng gây ảnh hưởng đến người xem khi phải tiếp xúc với nội dung phản cảm. Việc những nội dung như thế này xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường nghe, xem trên mạng xã hội của người dùng, phần nào kéo văn hóa nghe, xem của họ đi xuống.

Từ gợi ý trên, có thể thấy, ngoài hướng xử lý về pháp luật cần có những làn sóng phản ứng hay phản đối rõ ràng tới từ cư dân mạng - những người xem ngày càng “tỉnh” của mạng xã hội. Họ cần tỉnh táo, theo dõi một cách có chọn lọc những nội dung trên mạng xã hội để không bị cuốn theo hay vô tình tiếp tay cho điều xấu bằng lượt xem của mình. Khi một cộng đồng cùng ấn nút báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube cho kênh và video phản cảm thì tương lai dễ thấy của kênh đó là sự biến mất trên nền tảng. Vì thế, rất cần sức mạnh của một cộng đồng tỉnh táo.

Xuân Mai