Luật - Những điểm mới:

Cộng đồng dân cư là chủ thể bảo vệ môi trường

- Thứ Tư, 16/12/2020, 06:14 - Chia sẻ
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường tính phản biện trong bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin theo hướng cơ quan thẩm định công khai quyết định phê duyệt thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; chủ đầu tư, doanh nghiệp công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ bí quyết công nghệ, bí mật doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Quy định trách nhiệm công khai thông tin

Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 7 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trả lời phóng viên về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường
năm 2020
Ảnh: Hoàng Ngọc

Luật đã bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch, quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, “Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải công khai quyết định phê duyệt thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta còn lập cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường và mọi báo cáo đánh giá tác động môi trường đều nằm trong cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường. Vấn đề nào được công khai, vấn đề nào không được công khai, công khai ở mức độ nào đều được luật quy định rõ. Đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp, phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ những bí quyết công nghệ, bí mật doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Trước một số ý kiến lo ngại về việc doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường có chứa bí quyết công nghệ, bí mật doanh nghiệp để không công khai thông tin, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nêu rõ, bản chất của báo cáo đánh giá tác động môi trường tập trung vào vấn đề tác động đến môi trường như thế nào và giải pháp giảm thiểu ra sao. Trước đó, chúng ta đã yêu cầu trích nội dung nêu trên, treo công khai tại nơi triển khai dự án. Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chúng ta đề nghị phạm vi công khai rộng hơn, chỉ để lại bí quyết công nghệ, bí mật doanh nghiệp. Chế tài xử phạt nếu doanh nghiệp không công khai thông tin sẽ được quy định trong nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học

Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Luật đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường. Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Đây là sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo vệ môi trường phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Luật đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng các nước trên thế giới, bảo đảm sự hài hòa với các quy định của quốc tế, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật tiếp cận phương thức quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, dự án có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56 - KL/TW ngày 23.8.2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Anh Thảo