COVID-19 và những thách thức đối với hoạt động bầu cử

Cộng hòa Pháp: Lấp lỗ hổng của luật pháp

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 08:52 - Chia sẻ
Trong số các quốc gia phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc tổ chức hoặc hoãn bầu cử, trường hợp của Pháp đặc biệt đáng chú ý.

Bối cảnh cuộc bầu cử địa phương

Các cuộc bầu cử địa phương của Pháp được lên kế hoạch vào tháng 3.2020. Công dân Pháp bầu hội đồng thành phố 6 năm một lần, tuân theo các hệ thống bỏ phiếu khác nhau tùy thuộc vào số lượng cư dân của thành phố (phân chia theo địa phương có dân số trên hoặc dưới 1.000 dân). Dù áp dụng theo hệ thống nào, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức nếu địa phương đó không bầu đủ được thành viên theo đa số tuyệt đối ở vòng một.

Pháp có tới 35.000 đô thị, một trong những con số cao nhất đối với một quốc gia châu Âu. Sau vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 15.3.2020, có hơn 30.000 hội đồng thành phố đã bầu đủ thành viên nhờ giành được đa số tuyệt đối ngay từ vòng đầu. Thị trưởng cùng với ủy viên hội đồng ở những nơi này đã nhậm chức từ cuối tháng 5.

Trong vòng 2, đáng lẽ diễn ra sau vòng thứ nhất một tuần (vào ngày 22.3), cử tri cũng sẽ bầu ra các hội đồng cộng đồng của khoảng 5.000 đô thị để bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 17.7. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, vòng hai của cuộc bầu cử ban đầu đã bị trì hoãn vô thời hạn.

Tình huống đặc biệt này đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến quản lý bầu cử trong bối cảnh Covid-19 liên quan đến lựa chọn tổ chức hoặc hoãn bầu cử và các phương tiện sẵn có để điều chỉnh các thủ tục bỏ phiếu trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh.

Ràng buộc pháp lý và chính trị

Trường hợp của Pháp cho thấy sự khó khăn trong việc điều hướng các ràng buộc pháp lý và các mệnh lệnh chính trị trong những thời điểm thiếu ổn định như thiên tai hoặc dịch bệnh. Đặc biệt, Pháp phải đối mặt với lỗ hổng trong các quy định pháp luật của mình, do không có quy định nào tiên liệu cho những trường hợp bầu cử không thể tiến hành. Ở Pháp, không có quy định pháp lý nào về việc hoãn, ngoại trừ một tiền lệ tư pháp từ Tòa án Hiến pháp năm 1973 liên quan đến một cuộc bầu cử lập pháp biệt lập (ở Đảo La Réunion), cho phép hoãn một cuộc bầu cử vì một cơn lốc xoáy. Do đó, việc hoãn các cuộc bầu cử thành phố là không thể thực hiện được nếu không thông qua luật mới, nhưng không có sự đồng thuận chính trị để thực hiện điều này. Tổng thống Macron đã hỏi ý kiến ​​của Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher vào ngày 12.3, nhưng ông Larcher từ chối ủng hộ đạo luật hoãn bầu cử. Khi đó, câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ có thể đơn phương hoãn cuộc bầu cử hay không, nhưng điều này sẽ rất khó khăn cả về mặt pháp lý và chính trị. Một quyết định như vậy sẽ là bất hợp pháp, vì dựa trên quy định về “trường hợp ngoại lệ”, một giải pháp ngoại lệ là một giải pháp cho phép chính phủ vi phạm pháp luật nếu không có giải pháp nào khác cho vấn đề đang phải đối mặt; trong trường hợp này, Chính phủ sẽ được đặt dưới sự quyết định của các thẩm phán hành chính. Tuy nhiên về mặt chính trị, các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả các đảng phái chính trị đối lập, sẽ buộc tội Chính phủ về một cuộc đảo chính.

Trong khi đó, các chính trị gia sẽ không muốn sử dụng Điều 16 của Hiến pháp, trao toàn quyền cho Tổng thống nước Cộng hòa. Cơ quan hành pháp cũng không thể sử dụng quy chế "tình trạng khẩn cấp", vốn đã được sử dụng trong quá khứ để chống khủng bố, bởi vì quy chế này không cho phép hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc bầu cử. Trên thực tế, không có quy định pháp luật nào ở Pháp cho phép Chính phủ tự quyết định việc hoãn một cuộc bầu cử, vì thế càng bế tắc.

Từ quan điểm này, Pháp phải đối mặt với một khoảng cách trong các quy định pháp luật của mình so với các quy định của một số quốc gia khác. Theo ý kiến ​​và báo cáo của Ủy ban Venice về các tình trạng khẩn cấp (Ủy ban Venice 2020), hiến pháp của một số nước quy định: Trong những trường hợp đặc biệt, nhà nước có thể hoãn bầu cử một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ bằng cách kéo dài nhiệm kỳ của quốc hội (như ở Canada, Croatia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Litva, Ba Lan, Slovenia và Tây Ban Nha). Ở một số bang, cơ quan lập pháp có quyền thay đổi ngày bầu cử trong tình trạng khẩn cấp (ví dụ: Cộng hòa Séc, Slovenia). Ở những nước khác (Albania, Gruzia), một điều khoản hiến pháp quy định rằng không thể tổ chức bầu cử trong tình trạng khẩn cấp hoặc tình trạng thiết quân luật.

Tìm kiếm đồng thuận chính trị

Trước sự lây lan nhanh chóng của virus Corona (vào thời điểm ngày 15.3.2020, nước Pháp ghi nhận 5.423 trường hợp nhiễm và 127 trường hợp tử vong), Tổng thống Pháp đã quyết định áp dụng tình trạng phong tỏa. Đồng thời, với sự nhất trí của tất cả các đảng phái chính trị, Chính phủ đã quyết định hoãn vòng hai của cuộc bầu cử hội đồng địa phương bằng cách sử dụng lý thuyết án lệ về các trường hợp ngoại lệ. Cùng với đó, Quốc hội Pháp bắt đầu xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp để đối phó với những tình huống mà đại dịch Covid-19 đặt ra, cho phép Chính phủ có cơ sở pháp lý để hoãn các cuộc bầu cử.

Từ ngày 17 đến ngày 23.3.2020, Nghị viện Pháp (bao gồm Quốc hội và Thượng viện) đã thảo luận và thông qua Luật Tình trạng khẩn cấp này dựa trên sự đồng thuận giữa các đảng phái chính trị và giữa các nghị sĩ về luật này.

Theo các tiêu chuẩn quốc tế về luật bầu cử, một khuôn khổ pháp lý bầu cử cần được thông qua trên cơ sở một quy trình công khai và bao trùm, với các cuộc thảo luận tạo điều kiện cho sự đồng thuận của các bên liên quan. Các tiêu chuẩn quốc tế này đã được hoàn toàn tôn trọng ở Pháp nhờ các cuộc thảo luận của Quốc hội và Thượng viện. Phe đối lập đã không viện đến Tòa án Hiến pháp. Chính phủ và hầu hết các bên liên quan khác đã tôn trọng sự đồng thuận chính trị này cho đến khi quyết định tổ chức vòng thứ hai vào tháng 6.

Cũng trên cơ sở đồng thuận chính trị, ngày 22.5.2020, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo, vòng cuối cùng của cuộc bầu cử thành phố sẽ diễn ra vào tháng 6 cùng năm. Kết quả, ngày 28.6.2020, cuộc bầu cử địa phương vòng 2 ở Pháp đã được tiến hành sau 3 tháng bị hoãn. Cuộc bầu cử của Pháp vào thời điểm đó là một trong những cuộc bầu cử lớn nhất ở châu Âu kể từ khi đại dịch Covid-19 được WHO công bố, với hơn 16.500.000 cử tri đã đăng ký. Pháp cũng là một trong 66 quốc gia đầu tiên tổ chức các cuộc bầu cử trước đó đã bị hoãn do sự bùng phát của Covid-19.

Nguồn: ITN

Các biện pháp an toàn

Để khuyến khích cử tri tham gia đông đảo, chính phủ cho tăng cường các biện pháp bảo đảm y tế: cử tri được kêu gọi tôn trọng khoảng cách an toàn, mang khẩu trang, dùng dung dịch khử trùng... khi bước vào các phòng phiếu. Cử tri cũng được yêu cầu giữ khoảng cách an toàn với nhau ít nhất một mét, với các biển báo được đặt khắp các điểm bỏ phiếu để hỗ trợ duy trì khoảng cách này. Ngoài ra, áp dụng quyền tiếp cận ưu tiên ở các điểm bỏ phiếu đối với các nhóm dễ bị tổn thương, trang bị kính che mặt bảo vệ cho nhân viên bỏ phiếu tạm thời, cùng các biện pháp khác

Đặc biệt, chính phủ đã nới lỏng các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ phiếu ủy quyền, vốn là những biện pháp thuộc thỏa thuận bỏ phiếu đặc biệt (SVA). Thủ tục này đã được đơn giản hóa bằng cách cho phép người ủy quyền làm giấy ủy quyền cho hai cử tri, điều mà trước đây một cử tri chỉ có thể bỏ phiếu thay mặt một cử tri khác; đồng thời cử tri không cần phải giải thích lý do tại sao họ cần bỏ phiếu theo ủy quyền khi gửi mẫu yêu cầu chính thức. Biện pháp bỏ phiếu qua bưu điện, vốn đã bị bãi bỏ ở Pháp vào năm 1975, cũng đã được đưa ra cân nhắc trước vòng bầu cử thứ hai nhưng cuối cùng đã bị chính phủ từ chối.

Trường hợp của Pháp cho thấy rằng các tiêu chuẩn quốc tế như tìm kiếm sự đồng thuận chính trị, sự ổn định của luật bầu cử và sự thích ứng sớm của các thủ tục bỏ phiếu là rất quan trọng trong việc giải quyết những khó khăn trong việc tổ chức bầu cử trong những hoàn cảnh bất thường. Lựa chọn hoãn vòng thứ hai, sau đó dời lại vào ngày 28.6, được quyết định dựa trên lời khuyên khoa học và sự đồng thuận chính trị thông qua các cuộc thảo luận giữa các bên liên quan.

Vũ Quỳnh