Cộng hưởng sáng tạo với thời trang bền vững

- Thứ Hai, 17/01/2022, 06:49 - Chia sẻ
“Đây/ Đó” - dự án hợp tác hợp tác thủ công và thiết kế Việt Nam - Australia vừa được khởi động, kết nối các nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ, người thực hành thủ công hai nước - những người cùng có tình yêu, tâm huyết với bảo tồn đa dạng văn hóa và phát triển cộng đồng, kiên định theo con đường thời trang bền vững.

Thời trang - sức mạnh tập thể
Dự án "Đây/ Đó" tạo cơ hội cho 4 nhà thiết kế giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, thủ công hay thiết kế, lấy trọng tâm là sự bền vững về cả môi trường và văn hóa.
Từ Quảng Nam đến Tây Bắc và ngay lập tức “phải lòng” nơi này, Phạm Phan Hoàng Linh (Linh Handicraft) cộng tác với nghệ nhân, phụ nữ dân tộc Mông để có sản phẩm thời trang kết hợp với mỹ thuật. Cô xây dựng studio ở bản Cát Cát, Sa Pa, Lào Cai, vừa vẽ tranh, vừa tìm hiểu kỹ thuật nhuộm vải, dệt vải, vẽ sáp ong từ nghệ nhân và cộng đồng. “Nhuộm chàm khó, có nhiều công đoạn, sau không ít lần thất bại, đến nay tôi đã nhuộm vải, làm ra các sản phẩm”.  
Hoàng Linh cho rằng, phụ nữ Mông giỏi may vá, thêu thùa, phối màu sắc, trang phục có nhiều kỹ thuật như vẽ sáp ong, thêu, đáp vải... như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tham gia vào khâu chế tác chất liệu, cô thấy tầm quan trọng của thợ thủ công. Chế tác ra chất liệu tốt, người thiết kế mới có thể làm ra sản phẩm đẹp. Bởi vậy, thợ thủ công và nghệ sĩ có sự gắn bó, cùng tôn nhau lên.
Xây dựng thương hiệu Việt hợp tác với làng nghề, cộng đồng thủ công chế tác, nhà thiết kế Thảo Vũ chia sẻ: “Với tôi, thời trang như sức mạnh tập thể. Lâu nay, chúng ta thường gắn thời trang với nhà thiết kế, mà bỏ qua các vấn đề khác như sản xuất địa phương, bảo tồn đa dạng văn hóa thông qua minh bạch về quá trình sản xuất, hợp tác liên ngành... Ra đời 2012, Kilomet109 muốn làm ra sản phẩm thuần Việt, thiết kế, chế tác bởi người Việt, sử dụng các ngành thủ công của người Việt. Ban đầu, tôi chỉ hợp tác với các làng nghề xung quanh Hà Nội, nhưng đến năm 2014, phạm vi hợp tác đã lan rộng đến vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Nam Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhà thiết kế Thảo Vũ cũng cho rằng: Việt Nam có sự phong phú của kỹ thuật chế tác địa phương, khả năng sáng tạo, nhưng gần như bị lãng quên trên bản đồ chế tác thế giới. Điều này trở thành động lực lớn với chị khi bắt đầu xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình.

Thúc đẩy bảo tồn đa dạng văn hóa và hỗ trợ những cộng đồng yếu thế cũng là câu chuyện mà doanh nghiệp xã hội The Social Studio tại Melbourne, Australia theo đuổi. Thành lập năm 2009, đến nay The Social Studio hoạt động như mô hình kết hợp giữa nhà bán lẻ, xưởng sản xuất và trường đào tạo, với mục tiêu mang đến cho người dân nhập cư hay tị nạn cơ hội trải nghiệm, học tập và sáng tạo trong lĩnh vực thời trang, thiết kế và nghệ thuật, với tôn chỉ “cộng đồng luôn là trọng tâm”. 

Thời trang hướng tới bảo tồn đa dạng văn hóa và bảo vệ môi trường

Nguồn: Kilomet109 

Thời trang bền vững và bảo tồn đa dạng văn hóa

Hiện nay, “thời trang nhanh” thống lĩnh, đưa thời trang trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, xu hướng thời trang bền vững đã được một số nhà thiết kế chọn làm hướng phát triển. 

Nhà thiết kế Vũ Thảo đã làm việc với cộng đồng thợ thủ công để có thể tạo ra chuỗi cung ứng trong thời trang, từ khâu canh tác, chế tác nguyên liệu thô, trồng trọt cho thuốc nhuộm tự nhiên. Quá trình chế tác thủ công cũng lành tính khi sử dụng các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, phương pháp chế tác thủ công không cần nhiều đến điện, nước, thậm chí chất thải từ chế tác có thể sử dụng lại, như cây chàm sau khi nhuộm xong có thể làm phân xanh...
Bên cạnh đó, việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm vô cùng quan trọng - điều khó thực hiện với các thương hiệu lớn, sản xuất hàng loạt. “Chế tác địa phương tạo cho tôi cơ hội kể về văn hóa chế tác thủ công của người Việt cũng như sự đa dạng văn hóa của người Việt. Ngoài ra, người tiêu dùng, khán giả có thể tiếp cận với nghệ nhân, không chỉ để tìm hiểu chất liệu thời trang, mà còn khám phá văn hóa. Chế tác bản địa cũng góp phần bảo tồn văn hóa, bảo đảm sinh kế cho cộng đồng thiểu số, cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, tạo thêm giá trị cho sản phẩm. Khi hiểu chất liệu, việc tạo ra sản phẩm có giá trị tương ứng rất cao, khâu thiết kế không lãng phí vải, hướng tới đa chức năng của quần áo, làm sản phẩm bền hơn để tăng sự gắn bó với người tiêu dùng” - nhà thiết kế Vũ Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, chị Anh Truong Tuyet, The Social Studio, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực để bảo đảm quá trình sản xuất của mình không tạo ra phụ phẩm, rác thải, chẳng hạn như sản xuất thời trang từ vải vụn, nguyên liệu tái chế. Với các sản phẩm như vậy, chúng tôi thu hút sự quan tâm nhiều người hơn với thời trang bền vững”.
Cùng chung mối quan tâm, các nhà thiết kế Việt Nam và Australia mong kết nối và học cách làm việc với các cộng đồng, phát triển mô hình cũng như cách vận hành doanh nghiệp thời trang bền vững... Theo nhà thiết kế Thảo Vũ, “Đây/Đó là dự án hợp tác tuyệt vời cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nghiệp xã hội, cộng hưởng năng lực sáng tạo. Đại dịch Covid-19 khiến thời trang toàn cầu bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là thương hiệu bản địa. Đại dịch cũng khiến những người làm thời trang nhìn về nội tại, nhu cầu, mong muốn không gây tổn hại tới môi trường. Việc có những ý tưởng mới, mô hình hợp tác quốc tế qua nền tảng số, tăng cường hợp tác đa ngành trong thời trang sẽ thúc đẩy tính bền vững và bảo tồn đa dạng văn hóa trong thời trang”.

Thảo Nguyên