Công khai, minh bạch phí môi giới

- Thứ Tư, 01/09/2021, 07:19 - Chia sẻ
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ không được nhận thù lao theo hợp đồng môi giới và thu tiền dịch vụ từ người lao động cao hơn mức trần mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định. Đó là đề xuất nhận được sự quan tâm của người có nhu cầu xuất khẩu lao động cũng như doanh nghiệp tại Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quy định mức trần 

Công ước về các cơ quan dịch vụ việc làm tư nhân của ILO và bộ các nguyên tắc chung và hướng dẫn hoạt động của ILO về tuyển dụng công bằng quy định: “Người lao động sẽ không bị tính trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hoặc một phần, bất kỳ khoản phí hoặc chi phí liên quan nào để đi làm việc ở nước ngoài” và “Người sử dụng lao động, công hay tư nhân hoặc người trung gian của họ, chứ không phải người lao động sẽ phải chi trả các chi phí cho việc tuyển dụng”.

Theo Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ quy định chi tiết mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới và tiền dịch vụ với từng thị trường, ngành, nghề, công việc mà doanh nghiệp được phép thu từ người lao động. Trong đó: tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Đáng chú ý, Dự thảo đã quy định mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc để doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện. Tại thị trường Nhật Bản, đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì thu 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng. Đối với Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới tại một số ngành nghề, tại một số thị trường. Đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; thực tập viên trên tàu cá xa bờ tại Hàn Quốc; lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia, Brunei, các nước khu vực Trung Đông không nhận thù lao theo hợp đồng môi giới. Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,5 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng thì không thu thù lao theo hợp đồng môi giới…

Nhiều lao động vẫn tích cực mong chờ được xuất cảnh

Nguồn: ITN

Minh bạch về phí, giá

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc quy định mức trần về phí môi giới lẽ ra phải làm từ nhiều năm trước. Trong những năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt hơn cả mong đợi, mỗi năm đều đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.  Tuy nhiên, những tiêu cực đến từ chi phí, phí môi giới là một trong nhân tố đã làm “méo mó” phần nào về chính sách này. Chính vì vậy, việc bổ sung nhiều quy định về mức trần, phí môi giới chi tiết cho từng thị trường được xem là giải pháp cần thiết để hạn chế những tiêu cực, từ đó bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Dù đang trong quá trình lấy ý kiến nhưng những nội dung dự thảo nhận được sự đồng thuận của nhiều người lao động cũng như các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chia sẻ về việc quy định mức trần phí môi giới, mức thù lao cho từng thị trường, Tổng giám đốc Công ty Quốc tế Trường gia Nguyễn Thị Hải Vân cho rằng, các nội dung dự thảo lần này đều hướng tới mục đích bảo vệ người lao động tốt hơn. Mức trần thu phí dịch vụ cũng là khung tham chiếu rất cụ thể để người lao động có thể tự căn cứ và so sánh xem mức thu của các công ty phái cử mình đang tham gia có hợp lý hay không. Từ đó, người lao động có thêm công cụ tự bảo vệ chính mình trước những đối tượng có hành vi lừa đảo. Còn về phía doanh nghiệp sẽ là “cuộc chơi” cạnh tranh lành mạnh chứ không phải mỗi nơi một giá thiếu thống nhất như hiện nay.

Theo Tổ chức quốc tế (ILO) tại Việt Nam, minh bạch về chi phí là yếu tố then chốt nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động di cư an toàn. Chính vì vậy, việc sửa đổi những quy định liên quan đến chi phí dịch vụ, phí môi giới nhằm giảm thiểu những chi phí mà người lao động có thể phải trả cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ, ngành chức năng nhằm bảo vệ tốt hơn cho người lao động, hướng đến bảo vệ trọn vẹn quyền và lợi ích của người lao động. Khi người lao động lâm vào cảnh nợ nần do chi phí di cư quá cao, có thể họ sẽ không nghỉ việc làm trong trường hợp bị lạm dụng, bóc lột hoặc lao động cưỡng bức. Việc loại bỏ phí môi giới khỏi các chi phí được phép thu từ người lao động di cư sẽ góp phần giải quyết rủi ro này.

Thái Yến