Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch

- Thứ Tư, 15/12/2021, 09:07 - Chia sẻ
Dù tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường thông tin, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin về quy hoạch sử dụng đất. Và theo thống kê, cả nước cũng đã có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện đăng tải với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch nhưng bên cạnh đó cũng có tới 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải hoặc chỉ đăng tải với số lượng rất hạn chế, chỉ một đồ án quy hoạch...

Thời gian qua đã có nhiều cơn sốt đất không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương khác. Điểm chung của các cơn sốt này là tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, ban hành bảng giá đất mới; việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia theo kiểu "tâm lý đám đông" vào các giao dịch, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi.

Phân tích cụ thể về tình trạng này, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho biết, vài năm trở lại đây, ở các đô thị như lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường có tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Nguyên nhân dẫn đến thình trạng này là bởi khi lập quy hoạch chung đã không dự liệu hết khả năng phát triển của thành phố, số liệu đầu vào lập quy hoạch chưa đầy đủ, quy hoạch tầm nhìn nặng về ý chí, không sát với thực tiễn và khả năng huy động nguồn lực để đầu tư phát triển. Đặc biệt, theo ông Tùng, một trong những “nguồn cơn” dẫn đến những đợt sốt đất đang diễn ra khắp nơi trên cả nước là do việc “lập lờ”, chậm đưa thông tin về quy hoạch để đầu cơ, trục lợi... Ngoài ra còn bởi ngay khi những đề xuất quy hoạch khi được đưa ra đã nhanh chóng tạo ra các cơn sốt đất cục bộ. Tuy nhiên, sau khi có thông tin đề xuất quy hoạch được “rút”, giá đất vừa "tăng nóng" cũng nhanh chóng "nguội" theo.

Ở góc nhìn tổng thể hơn, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, khi thảo luận về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), nhiều ý kiến cho rằng, dù việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhỏ nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh lương thực nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Đó là chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống nhân dân; việc lập điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương rất chậm...

Thực tế, phần lớn người dân rất khó tiếp cận với các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai cho dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác. Vậy nên, việc Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được coi là một trong những "liều thuốc đặc trị" các cơn sốt đất ảo...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc công bố các thông tin này phải được công khai một cách kịp thời và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân, chứ không phải chỉ thông tin kiểu cho có - khi các cơn sốt đất đã đi qua. Đặc biệt, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Khương Ninh