Công khai, minh bạch thông tin

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:45 - Chia sẻ
Để dẹp nạn cò đất “lộng hành” lặp đi lặp lại những cơn sốt đất ảo, khiến người dân và nền kinh tế nhiều lần thiệt hại, bên cạnh vai trò của chính quyền, địa phương trong việc kiểm soát hoạt động môi giới đất đai; cơ quan chức năng khi công bố các quy hoạch phải thực hiện một cách công khai, hướng dẫn kịp thời, chi tiết, đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân nắm. Cũng như có giải pháp hiệu quả hơn trong việc đưa thông tin để nhà đầu tư, khách hàng, người dân tiếp cận và kiểm chứng thông tin một cách thuận lợi.

Sốt đất ảo” tại nhiều địa phương

Trước tình trạng “sốt đất ảo”, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các tỉnh, thành phố công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận thông tin chính thống, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng đẩy giá. Bên cạnh đó, kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh để thị trường bất động sản đi vào ổn định, trật tự.

Thời gian qua, liên tục diễn ra những cơn “sốt đất ảo” tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Phú Quốc… Nhất là từ đầu tháng 3 đến nay, mặc dù giá đất tăng “phi mã”với khoảng hơn 20% so với trước tết, nhưng người dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, đổ xô nhau đi mua bán đất. Đất được chào bán giao dịch rất đa dạng, từ đất ở đến đất trồng cây lâu năm, đất lúa, đất nuôi trồng thủy hải sản, đất ven sông rạch, đất ven biển. Thậm chí, cả loại có hồ sơ pháp lý đầy đủ đến đất được mua bán giấy tay, chưa có chủ quyền. Không những thế, giao dịch trên mạng cũng rất sôi động, với những hình ảnh được quảng cáo là “tiền tươi thóc thật”. Đáng báo động là nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất, rút tiền gửi ngân hàng để lao vào đầu tư đất, góp phần tạo nên cơn sốt đất ảo.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, sốt đất ảo là hiện tượng đẩy giá tăng đột biến của nhà đầu cơ, việc mua đi bán lại với mức giá tăng nhiều lần, mua bán chồng chéo tạo ra nhu cầu ảo. Các đối tượng này không chỉ lợi dụng thông tin quy hoạch, xây dựng hạ tầng mà ngay cả tại nhiều dự án bất động sản, phân lô bán nền đất nông nghiệp cũng được thổi giá, thậm chí giở nhiều chiêu trò, tung “hỏa mù” đẩy giá, thổi giá lên ở các khu vực, các vùng ven và huyện ngoại thành nhằm bẫy nhà đầu tư còn non kinh nghiệm.

Về nguyên nhân gây ra “cơn sốt” đất thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do người mua rất khó tiếp cận được các thông tin nhà đất hoặc không thể mua hàng trực tiếp tại phòng bán hàng của chủ đầu tư mà chỉ thông qua các sàn giao dịch, môi giới bất động sản. Chưa kể, việc các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay, nhất là có cho vay bất động sản và việc cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất một cách dễ dàng hơn cũng tạo ra một cơn sốt đất. Mặt khác, sau các đợt bùng phát dịch Covid-19, các ngành nghề đều thu hẹp lại sản xuất, nhiều người khó có công việc nên chủ động rút vốn để đầu tư vào mua bán đất đai mong kiếm lời. Ngoài ra, các thông tin về quy hoạch cơ sở hạ tầng, đô thị, đường sá, sân bay, cảng biển… liên tục được nhắc đến từ những hội nghị, hội thảo, các tuyên bố của các cấp chính quyền khiến người dân hy vọng, còn giới cò đất lan truyền, thổi giá đất tăng nhiều lần để trục lợi.

Giới đầu cơ, cò đất “bắt tay” thổi giá, tạo sốt đất ảo

Nguồn: ITN 

Siết chặt quản lý 

Trên thực tế, những chiêu trò “sốt đất ảo” của giới đầu nậu, cò đất không phải là mới. Để dẹp nạn cò đất “lộng hành” lặp đi lặp lại những cơn sốt đất ảo, khiến người dân và nền kinh tế nhiều lần thiệt hại, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát hoạt động môi giới đất đai theo đúng quy định pháp luật là rất quan trọng. Theo đó, cần siết chặt công tác quản lý đất đai tại địa bàn; xử lý mạnh tay những tin đồn, đầu nậu cấu kết với cán bộ địa phương tạo dựng đất ảo. Bởi, hoạt động của nhiều sàn giao dịch, môi giới bất động sản hiện còn quản lý lỏng lẻo hoặc mức độ xử lý nhẹ nhàng, chưa cương quyết.

 Cũng theo các chuyên gia, cơ quan chức năng khi công bố các quy hoạch phải thực hiện một cách công khai, hướng dẫn kịp thời, chi tiết, đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân nắm. Cũng như có giải pháp hiệu quả hơn trong việc đưa thông tin để nhà đầu tư, khách hàng, người dân tiếp cận và kiểm chứng thông tin một cách thuận lợi. Tránh trường hợp nhà đầu tư, người dân chỉ mới nghe có quy hoạch, còn những thông tin cụ thể thì nghe từ đầu nậu, đầu cơ và không có cơ sở để kiểm chứng. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm đối với các cán bộ có biểu hiện tiếp tay cho các đầu nậu, cò đất tung tin, đồn nhảm để trục lợi, dẫn đến thị trường sốt ảo, không kiểm soát để lại nhiều hệ lụy.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cũng chia sẻ, ngoài việc công khai minh bạch các đồ án quy hoạch, niêm yết giá, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Nói cách khác, chính người dân khi có nhu cầu mua bán đất cũng cần hết sức thận trọng. Cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, giá cả cũng như các yêu cầu về hạ tầng kết nối đường sá cả trước mắt và lâu dài khi mua bán.

Hiểu Lam