Công khai ngân sách, tạo niềm tin cho nhân dân

- Thứ Tư, 08/07/2020, 16:35 - Chia sẻ
Việc công khai, minh bạch ngân sách là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc giám sát, giúp tăng cường niềm tin của các đối tác và người dân đối với việc quản lý ngân sách nhà nước ở địa phương. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo công bố Chỉ số Công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 8.9.

Thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý ngân sách tại địa phương

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, PGS.TS Nguyễn Anh Thu chia sẻ: Khảo sát mức độ công khai ngân sách tỉnh (POBI) lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam năm 2017. Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp có xếp hạng POBI. Chỉ số POPI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. POBI cũng giúp tăng cường niềm tin của các đối tác phát triển và người dân đối với việc quản lý ngân sách nhà nước ở địa phương thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách.

 Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Hiệp
Quang cảnh Hội thảo

Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) Ngô Minh Hương cũng chia sẻ, Việt Nam hiện là quốc gia tích cực trong việc cải thiện mức độ công khai ngân sách. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng mức độ công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam đã vượt Camphuchia, Timor - Lester và Myanma. Điểm xếp hạng OBI năm 2019 của Việt Nam đạt 38/100 điểm, tăng 23 điểm so với năm 2017, xếp thứ 77 trên 117 quốc gia tham gia khảo sát công khai ngân sách (OBS) 2019, tăng 14 bậc so với OBI 2017.

Ngoài ra, theo báo cáo kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách OBI 2019, hiện nay Việt Nam đã công khai 7/8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong đó có Báo cáo ngân sách công dân. Trong kỳ khảo sát OBS 2019, Báo cáo ngân sách công dân được xây dựng cho hai loại tài liệu là Dự thảo Dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội và Dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu PGS.TS Vũ Sỹ Cường đã trình bày kết quả “Chỉ số Công khai ngân sách tỉnh POBI 2019”. Theo đó, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt mức 65.55 điểm trên tổng số 100 điểm, cao hơn so với chỉ số trung bình POBI 2018 51 điểm. Điều này cho thấy, mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh, thành phố năm 2019 đã được cải thiện hơn so với những năm trước. Tính hiệu đáng mừng là năm 2019 đã có 24 tỉnh, thành phố công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước. 27 tỉnh đạt mức công khai tương đối và 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ và chỉ có 3 tỉnh ít công khai là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.

Chỉ số công khai ngân sách tỉnh, thành phố năm 2019. Ảnh: Đức Hiệp
Chỉ số công khai ngân sách tỉnh, thành phố năm 2019

Khảo sát POBI năm 2019 cũng cho thấy, mức độ công khai dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình Hội đông Nhân dân (HĐND) tỉnh tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Số tỉnh công khai tài liệu trong POBI 2019 là 54 tỉnh, so với 47 tỉnh trong POBI 2018. Ngoài ra, tính kịp thời và tính đầy đủ của tài liệu này được cải thiện nhiều so với năm 2018. Số tỉnh công bố đúng hạn đã tăng từ 29 tỉnh, đạt 45%  (năm 2018) lên 36 tỉnh, đạt 57,1% (năm 2019).

Dự toán ngân sách được HĐND tỉnh quyết định vẫn tiếp tục là nhóm tài liệu được công khai nhiều trong số các loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai. Mặc dù chỉ có 58 tỉnh (92,06%) tỉnh có công khai tài liệu này, ít hơn một tỉnh so với kết quả năm 2018…

Đánh giá về việc thực hiện việc công khai ngân sách tại các địa phương, Trưởng phòng Quản lý ngân sách Nhà nước, Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính Đinh Thị Mai Anh nhận định, chúng tôi đánh giá cao các hoạt động giúp công khai, minh bạch ngân sách tại địa phương. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng quản lý ngân sách tại các địa phương. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn chậm trong việc công khai ngân sách. Mặt khác, trong báo cáo của một số địa phương vẫn chưa đầy đủ các nội dung yêu cầu… Ngoài ra, một số địa phương vẫn chưa tạo điều kiện thuân lợi cho người dân tham gia vào việc công khai ngân sách địa phương. Một khó khăn khác đặt ra là các bộ, ngành vẫn chưa thực hiện tốt quy chế vận hành trong việc trả lời người dân. Chúng ta cần rà soát để xây dựng bộ câu hỏi cho phù hợp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư công, mua sắm công…

Củng cố niềm tin với nhân dân

Tại hội thảo nhiều chuyên gia đánh giá cao ý nghĩa của việc công khai, minh bạch ngân sách tại các địa phương. “Khảo sát cũng đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, sẵn có và thuận tiện của các tài liệu về ngân sách địa phương. Đáng chú ý, khảo sát POBI 2019 lần đầu tiên chấm điểm về độ tin cậy của dự toán ngân sách khi so với báo cáo quyết toán tương ứng. Những điểm mới này giúp POBI 2019 đánh giá toàn diện hơn về chất lượng độ công khai, minh bạch ngân sách ở địa phương.”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm đó, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke cho rằng, việc công khai, minh bạch ngân sách sẽ góp phần thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở. Mặt khác, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương trong việc quản lý ngân sách, qua đó tạo niềm tin đối với nhân dân.

Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Hiệp
Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke phát biểu tại Hội thảo

Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, công khai, minh bạch ngân sách là việc làm có ý nghĩa to lớn đối với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo lòng tin đối với người dân… Tuy nhiên, một số địa phương vẫn “chậm chạp” trong công tác minh bạch ngân sách. Mặt khác, nhiều địa phương đã công khai ngân sách, nhưng một số vẫn thiếu sự minh bạch. Hiện nay vẫn chưa có nhiều chế tài đủ mạnh đối với lĩnh vực này. Để thực hiện hiệu quả hơn việc công khai, minh bạch ngân sách trong những năm tiếp theo, ông Đậu Tuấn Anh cũng khuyến nghị, việc công khai ngân sách là việc làm có ý nghĩa, có tính thiết thực trong việc giám sát hoạt động tại địa phương. Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện công khai ngân sách tại các địa phương một cách minh bạch, đầy đủ và nhanh chóng.

Đại diện tỉnh Quảng Nam đạt Hạng Nhất, tỉnh Vĩnh Long đạt Hạng Tư về chỉ số công khai ngân sách tỉnh. Ảnh: Đức Hiệp
Đại diện tỉnh Quảng Nam đạt Hạng Nhất, tỉnh Vĩnh Long đạt Hạng Tư về chỉ số công khai ngân sách tỉnh

Đại diện một số tỉnh, thành phố cũng chia sẻ, trong quá trình triển khai còn gặp vướng mắc trong việc thực hiện báo cáo công dân. Đây là việc khó đối với các địa phương. Bởi đặc thù của báo cáo này là phải diễn giải những yếu tố cốt lõi nhất về công khai ngân sách theo ngôn ngữ dễ hiểu nhất cho người dân, Phó trưởng Phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính Quảng Nam chia sẻ.

Đại diện Sở Tài chính Vĩnh Long cho biết, nhận thức của tỉnh về công khai ngân sách là vấn đề hết sức quan trọng đối với việc tăng niềm tin, sự giám sát của người dân trong sử dụng ngân sách. Mặt khác, đây cũng là giải pháp nhằm chống tham nhũng hiệu quả, đồng thời thúc đẩy việc tiếp cận thông tin về đầu tư công, đấu thầu, mua sắm công cho doanh nghiệp đối tác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh Vĩnh Long vẫn gặp nhiều hạn chế như chi tiêu ngân sách vượt dự toán, sử dụng mạng xã hội để kết nối, lắng nghe và giải trình những thắc mắc của người dân…

Đức Hiệp