Công khai phân cấp sử dụng nguồn lực phù hợp

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:41 - Chia sẻ
Hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã khó, giữ vững thành quả đạt được và tiếp tục phấn đấu ở mức cao hơn còn khó hơn rất nhiều. Nhấn mạnh điều này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần công khai phân cấp sử dụng nguồn lực phù hợp, tập trung xử lý các vấn đề cấp bách về hạ tầng ở các vùng chịu tác động nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu; có chính sách mạnh mẽ để xử lý các khó khăn ở nông thôn hiện nay như vấn đề môi trường, nâng cao thu nhập, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã…

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên):
Thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ môi trường tại nông thôn

Các xã có tiềm lực hầu như đã về đích xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn vừa qua, những xã còn lại của giai đoạn sắp tới đều rất khó khăn, tập trung ở miền núi, vùng bãi ngang ven biển. Theo tinh thần xây dựng Bộ tiêu chí mới dành cho giai đoạn 2021 - 2025, nhất là khi đưa vào nội dung phân loại rác - một hoạt động mà lâu nay chưa thấy địa phương nào thực hiện thành công, thì việc thực hiện có chất lượng Tiêu chí 17 về môi trường là không dễ, đòi hỏi sự hỗ trợ và nỗ lực rất lớn, nhiều xã đã đạt thì nay chưa chắc đạt nếu xét theo dự thảo Bộ tiêu chí mới.

Do vậy, để việc thực hiện tiêu chí môi trường bền vững, thực sự góp phần nâng cao chất lượng sống người dân nông thôn, đề nghị Chính phủ: bố trí kinh phí phù hợp để tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng về bảo vệ môi trường. Giao bộ chuyên ngành sớm có hướng dẫn về việc thực hiện các nội dung thành phần của tiêu chí, nhất là các nội dung mới, bảo đảm nhất quán với quan điểm mới về ứng xử với chất thải mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 hướng đến, xem chất thải là tài nguyên.

Đồng thời, phải quan tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý môi trường “made in Vietnam” - phù hợp với rác của nông thôn Việt Nam. Xây dựng các mô hình thí điểm về xử lý chất thải, đặc biệt là về chất thải nông nghiệp, rác thải/nước thải sinh hoạt cho từng vùng miền có đặc điểm tương tự để đánh giá, rút kinh nghiệm, tránh đầu tư không hiệu quả hoặc gây phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ môi trường tại nông thôn, không chỉ là thu hút lực lượng doanh nghiệp mà còn thu hút chính cộng đồng dân cư - chủ thể của nông thôn mới, tự xây dựng/phục vụ/duy tu/bảo quản; có chính sách phù hợp hơn nữa để tăng sự tham gia của các hợp tác xã, nhằm thúc đẩy việc phân loại, thu gom chất thải, kết hợp tái chế tạo thành nguồn vật tư phục vụ trở lại cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị):
Giao vốn sự nghiệp trung hạn thay vì hàng năm

Về cơ cấu nguồn vốn, Chính phủ dự kiến vốn đầu tư phát triển khoảng 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng 9.632 tỷ đồng. Tôi đề nghị tăng tỷ lệ vốn sự nghiệp cho Chương trình. Vì trong giai đoạn vừa qua, Chương trình đã tập trung nhiều cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Giai đoạn tới, các địa phương có thể phát huy nội lực, huy động sức dân, đấu giá đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới khó khăn nhất hiện nay vẫn là nâng cao thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã, thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nước sạch, đào tạo nghề, duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết chế văn hóa giáo dục…

Ngoài ra đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp trung hạn 5 năm thay vì giao từng năm cho các địa phương do nhiều công trình, hạng mục sự nghiệp cần đầu tư trong nhiều năm như: công trình nước sạch tập trung, công trình xử lý ô nhiễm môi trường, liên doanh, liên kết chương trình OCOP cần hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong 2 - 3 năm. Thực tế đã cho thấy, những năm qua, vì nguyên nhân này mà nhiều địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới thực sự chưa hiệu quả, không kịp giải ngân vốn phải hoàn trả cho Trung ương.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long):
Giữ vững thành quả

Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã khó, giữ vững thành quả đã đạt được càng khó khăn hơn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khá nặng nề, đòi hỏi phải có sự tập trung rất lớn, rất quyết liệt. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương công khai phân cấp sử dụng nguồn lực phù hợp, không dàn trải, cào bằng, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực.

Trước mắt, ưu tiên huy động, phân bổ nguồn lực kịp thời để các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đầu tư, rà soát quy hoạch thủy lợi, xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp, có đủ nguồn vốn đầu tư xử lý ngay những đoạn sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, công trình, phi công trình để chủ động lấy nước, trữ nước, đề phòng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất bị thiếu hụt do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Tạo điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền trong triển khai các mô hình dự án chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp công nghệ cao. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Nâng cao giá trị tỷ trọng nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch bị suy giảm, đình trệ do tác động của đại dịch Covid - 19.

Song song đó, cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, tính tự giác, tự nguyện của nhân dân trong quản lý và xây dựng nông thôn mới. Khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, cùng nhau thay đổi tư duy, lối sống, tập quán canh tác chưa tiến bộ, chủ động tổ chức các mô hình liên kết sản xuất, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thông tin thị trường, hỗ trợ nhau về vốn, tư liệu sản xuất và sức lao động, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng cho gia đình và tiếp tục đầu tư, tái đóng góp vào việc duy trì, giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong giai đoạn mới.

Hải Lam ghi