Nhịp cầu

Công khai ý kiến đánh giá của cử tri

- Thứ Tư, 24/02/2021, 06:03 - Chia sẻ
Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Thông qua việc bầu cử này, nhân dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND. Vì vậy, lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng tham gia vào các cơ quan dân cử là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, đất nước.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, có thể thấy, ngoài bảo đảm các tỷ lệ đại biểu tái cử, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu nữ và trẻ dưới 40 tuổi... bước đầu các địa phương đã thực hiện đúng theo yêu cầu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, có địa phương chỉ phân bổ 1 đại biểu ở cơ quan chuyên môn. Đây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính khách quan, điều kiện tham gia hoạt động dân cử của đại biểu. Điều quan trọng hơn là thực hiện tốt các bước tiếp theo để lựa chọn được những người có tâm, có tài, thực sự là người đại diện cho cử tri và nhân dân.

Trước cuộc tổng tuyển cử đầu tiên một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng nhất định không nên bầu…” Theo cử tri, đại biểu cần liên hệ chặt chẽ với nhân dân, gần gũi nhân dân. Những ai tỏ thái độ quan cách mạng, cửa quyền, hách dịch, xa rời quần chúng hoặc muốn vào cơ quan dân cử vì động cơ cá nhân thì nhất quyết không bầu.

Cũng theo cử tri, để lựa chọn được những đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm các điều kiện trên, việc nắm thông tin tại nơi cư trú và nơi làm việc là sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp xác định được phần nào. Muốn vậy, đòi hỏi các bước trong quy trình bầu cử phải được thực hiện nghiêm túc, nhất là khâu hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc. Đồng thời, nên công khai rõ ràng ý kiến đánh giá của cử tri đối với từng ứng cử viên tại các hội nghị này để nhân dân và cử tri nắm rõ, không nên chỉ nghe một chiều từ chương trình hành động. Bởi hứa thì đại biểu trình bày rất hay, còn làm thì phải có thực tiễn và bằng chứng cụ thể.

Đối với cử tri, việc tham gia bầu cử là quyền lợi, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Vì vậy, cần tích cực tham gia bầu cử, tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên để lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất. Đặc biệt, tránh bị mua chuộc, lôi kéo để bầu cho ứng cử viên này hay ứng cử viên kia.

PHƯƠNG NGUYÊN