Công nghệ là đòn bẩy cho nông sản Việt Nam “cất cánh”

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 10:11 - Chia sẻ
Hội nhập quốc tế sâu rộng mở ra “cơ hội vàng” cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để nông sản Việt vững vàng nơi biển lớn, đòi hỏi các chuỗi giá trị phải được tối ưu hóa trong các khâu để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn thanh niên nông thôn toàn quốc với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung - cầu”.
Quang cảnh buổi Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Thay đổi nhận thức

Nhận định về vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt, các chuyên gia, cho rằng, thời gian qua, ngành đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế, chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nhận định, thực tế cho thấy, nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP Việt Nam với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, 39,4% lực lượng lao động Việt Nam làm trong nông nghiệp…

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn

Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Theo đó, Nghị quyết 52 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 3 trụ cột chính gồm: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân, mà nòng cốt là lực lượng thanh niên nông thôn được xác định là trung tâm của chuyển đổi số.

“Trong những năm qua, Đoàn thanh niên các cấp đã phát huy vai trò đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi số nông nghiệp được tổ chức Đoàn và thanh niên quan tâm, đã từng bước giúp thanh niên nâng cao năng suất, chất lượng, lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nhiều cơ hội cho thanh niên”, anh Ngô Văn Cương chia sẻ.

Phát biểu tại Chương trình Chủ tịch Công ty Bagico Nguyễn Thành Thực chia sẻ, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp quản công nghệ nông nghiệp của thế giới nhưng hiện nay nông nghiệp Việt vẫn ở phía sau của thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải tự chủ trong công nghệ và đa dạng thị trường, tránh việc quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Nếu chúng ta không làm được sản phẩm mới thì chúng ta hãy làm mới sản phẩm cũ. Hãy thay đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất dù là khâu nhỏ nhất để có thể đạt được hiệu quả, năng xuất, chất lượng cao hơn cho các mặt hàng nông sản Việt.

Chủ tịch Công ty Bagico Nguyễn Thành Thực chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp tại chương trình
Chủ tịch Công ty Bagico Nguyễn Thành Thực chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tại Diễn đàn, chị Nguyễn Thị Mến (Lâm Đồng) đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình bán hàng trên các trang Website. Chị Mến cho biết, bản thân vốn sinh ra trong một gia đình có nghề trồng hồng truyền thống. Trong nhiều năm qua, cô cùng với các thành viên trong gia đình luôn băn khoăn với nỗi lo giá hồng lên xuống thất thường qua từng mùa vụ. Mến quyết định phải làm điều gì đó cho nông sản Đà Lạt. Cô bảo, nhìn cha mẹ, bà con xung quanh mà xót ruột, cây hồng cả năm mới cho thu hoạch nhưng có khi tiền bán trái không đủ tiền công thu hoạch.

Nhận thấy những khó khăn trong khâu tiêu thụ, Mến đã nghĩ phải thay đổi ngay từ tư duy và bắt tay ngay vào xây dựng một kênh tiêu thụ hồng Đà Lạt. Ít vốn, ít mối quan hệ nhưng may mắn với tinh thần ham học hỏi, dễ nắm bắt xu thế thời đại, Mến bắt tay vào bán hàng theo phong cách 4.0. Mến lập gian hàng điện tử, bán hồng Đà Lạt trên mạng. Thời gian đầu cũng không dễ dàng, Mến gặp rất nhiều khó khăn do chưa quen việc, chưa hiểu biết về thương mại điện tử. Những va vấp, thất bại của bản thân cũng như sự tư vấn, lời khuyên của những người kinh doanh online đi trước đã giúp Mến tìm được hướng đi đúng.

Thanh niên Nguyễn Thị Mến (Lâm Đồng) đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình bán hàng trên các trang Website
Chị Nguyễn Thị Mến (Lâm Đồng) người đạt Giải thưởng Lương Đình Của năm 2021, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình bán hàng trên Website

Năm 2012, Mến mua tên miền và thành lập Website, đăng tin trên các trang rao vặt, Facebook, từ đó khách hàng biết nhiều hơn đến sản phẩm hồng dẻo sấy thủ công của Đà Lạt. Trái hồng sấy thủ công giữ lượng đường trong quả cao, độ ngọt đậm đà, hương thơm tự nhiên, đặc biệt là mềm và dẻo. Do đó, nhiều khách hàng đã chọn mua hồng Đà Lạt để ăn, để làm quà biếu. Website bán hồng nho nhỏ của Mến được nhiều người biết tới, có nhiều khách hàng hơn, hàng bán tốt hơn.

Làm mới sản phẩm cũ

Chia sẻ thành công mà chuyển đổi số mang lại, Chủ tịch Công ty Bagico Nguyễn Thành Thực cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp quản công nghệ nông nghiệp của thế giới nhưng hiện nay nông nghiệp Việt vẫn ở phía sau của thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải tự chủ trong công nghệ và đa dạng thị trường, tránh việc quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Nếu chúng ta không làm được sản phẩm mới thì chúng ta hãy làm mới sản phẩm cũ. Hãy thay đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất dù là khâu nhỏ nhất để có thể đạt được hiệu quả, năng xuất, chất lượng cao hơn cho các mặt hàng nông sản Việt. Tuy nhiên, dù công nghệ có tiên tiến tới đâu nhưng kiến thức và kỹ năng chưa đủ làm chủ công nghệ thì chúng ta cũng không thể tận dụng hết tiềm năng công nghệ số. Do đó, mỗi cá nhân, nông dân hãy hoàn thiện các kỹ năng để có thể làm chủ công nghệ.

TS. Trần Minh Hải, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chuyển đổi số những một trong các yếu tố tiên quyết để bảo đảm thành công quá trình chuyển đổi số nông nghiệp. Tăng cường liên kết là phương thức để phát huy hiệu quả trong chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và nông hộ cũng cần chú trọng đến nhu cầu của thị trường…

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp

Các chuyên gia cũng nêu rõ, hiện nay định hướng, cơ chế chính, sách để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp đã tương đối hoàn thiện và tạo cơ hội lớn cho các đoàn viên, thanh niên nông thôn phát triển kinh tế nông nghiệp bằng việc chuyển đổi số. Hiện nay là giai đoạn tận dụng công nghệ để bứt phá, mỗi nông hộ, mỗi chúng ta hãy áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ và kết nối với người tiêu dùng để tạo ra một chuỗi giá trị với hệ thống từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. Dù công nghệ có tiên tiến nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng làm chủ công nghệ thì chúng ta cũng không thể tận dụng hết tiềm năng công nghệ số. Do đó, mỗi cá nhân, nông dân hãy hoàn thiện các kỹ năng để có thể làm chủ công nghệ.

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến
Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam nói chung và đối với thanh niên nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. “Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết là kinh nghiệm. Mặt khác, sự liên kết 4 nhà còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia. Việc thanh niên biết và ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung - cầu còn hạn chế; số lượng mô hình thanh niên ứng dụng chuyển đổi số chưa nhiều; sàn thương mại điện tử chưa phát huy hết giá trị…”, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nhận định.

Để kinh tế nông thôn, nông nghiệp Việt phát triển thì vai trò của việc hoạch định cơ chế, chính sách là không thể thiếu. Đây là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển nhờ việc mở rộng hành lang pháp lý để hỗ trợ quá trình ứng dụng, chuyển đổi số trong nông nghiệp; Xây dựng chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại nông nghiệp. Theo đó, thời gian tới các Bộ, ngành cần có những công nghệ là công cụ thích hợp tình hình thực tế để bảo đảm chuyển đổi số nông nghiệp thành công. Các doanh nghiệp, nông hộ cần gắn mục tiêu chuyển đổi số với yêu cầu của thị trường trong kết nối cung - cầu…

Đức Hiệp