Công nghệ năng lượng có thể làm thay đổi thế giới

- Thứ Bảy, 21/02/2015, 11:45 - Chia sẻ
Theo Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, sự phát triển của công nghệ năng lượng, ví dụ sinh động là công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ có thể sẽ làm thay đổi chính sách kinh tế của nhiều nước và vai trò địa - chính trị của một số quốc gia lớn trên thế giới.

Diễn biến giá dầu giảm liên tục trong thời gian qua đã tác động mạnh đến nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới giá dầu giảm là do tác động của kết quả phát triển công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ. Là một trong những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, việc Hoa Kỳ phát triển và gia tăng năng lực khai thác dầu từ đá phiến kéo theo nhu cầu nhập khẩu dầu giảm mạnh. Không những thế, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11/2014 đã đạt kỷ lục 501.766 thùng/ngày, cao gấp 4 lần so với tháng trước đó. Năm 2010, Hoa Kỳ đã trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và giờ đây, nước này vươn lên trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vậy bí mật công nghệ của Hoa Kỳ là gì?
 


Nguồn: vietnamnet.vn
Con người đã biết đến dầu khí đá phiến từ lâu; loại dầu và khí nằm xen kẽ giữa các lớp đá phiến, không liên thông và không tự chảy vào giếng khoan được. Với trữ lượng dầu khí đá phiến khổng lồ và trình độ khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ là nước đầu tiên đi tiên phong và làm chủ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến. Cụ thể, đó là kỹ thuật nứt vỡ thủy lực (kỹ thuật bơm chất lỏng với áp lực lớn để làm nứt vỡ các vỉa đá phiến, qua đó chiết tách dầu và khí) kết hợp với kỹ thuật khoan ngang. Dầu và khí ở trong các khe đá phiến theo các vết nứt vỡ chảy vào các giếng khoan.

Theo ông Trần Hữu Hiếu thuộc Nhóm nghiên cứu dầu khí Houston, Hoa Kỳ, vào năm 2005, hãng Devon Energy (Hoa Kỳ) lần đầu tiên kết hợp hai kỹ thuật nứt vỡ thủy lực và kỹ thuật khoan ngang vào khai thác thương mại khí đá phiến thành công. Kể từ đó, công nghệ khai thác dầu khí đá phiến không ngừng được hoàn thiện và mở rộng trên khắp Hoa Kỳ. Chính kỹ nghệ khai thác mới, góp phần đưa sản lượng dầu thô của tiểu bang Texas từ 1,3 triệu thùng/ngày (năm 2011) tăng vọt đến hơn 3 triệu thùng/ngày vào thời điểm hiện nay. Đáng chú ý, sản lượng này vượt sản lượng dầu thô của một trong những quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu dầu mỏ là Iraq. Còn theo Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm thông tin và dự báo KT - XH quốc gia Lương Văn Khôi, từ năm 2007 - 2014, sản lượng khí đá phiến của Hoa Kỳ tăng trung bình 50% mỗi năm, tương đương mức tăng từ 5% lên 36% trong tổng thị phần khí đốt. Tỷ lệ dầu đá phiến trong tổng số sản lượng khí đốt tăng từ 5% lên 39%. Chính công nghệ năng lượng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ năm vừa qua.
 
Hiện tại, chi phí trung bình sản xuất dầu đá phiến dao động trong khoảng 30 - 35 USD/thùng, nếu giá dầu giảm sâu hơn nữa, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ, nhiều mỏ dầu sẽ phải đóng cửa vì thua lỗ. Tuy nhiên, với năng lực sáng tạo hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận định, công nghệ khai thác dầu khí đá phiến bước đầu được thương mại hóa nhưng đã trở thành nhân tố để thay đổi giá dầu trong thời gian vừa qua. Từ đó, không loại trừ khả năng trong thời gian ngắn nữa, sẽ có những phiên bản khác của công nghệ này, cùng các công nghệ khai thác năng lượng mới ra đời, sẽ kéo giảm chi phí khai thác dầu đá phiến xuống thấp hơn nữa.
 
Theo Ts Võ Trí Thành, sự phát triển của công nghệ năng lượng, ví dụ sinh động là công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ có thể sẽ làm thay đổi chính sách kinh tế của nhiều nước và vai trò địa - chính trị của một số quốc gia lớn trên thế giới. Trước hết, công nghệ năng lượng thúc đẩy sự thay đổi chiến lược năng lượng quốc gia của các nước. Riêng với Mỹ, sau nhiều năm cấm xuất khẩu dầu thô, vừa qua họ đã nới lỏng lệnh cấm này, cho phép xuất khẩu một số loại dầu thô ra nước ngoài. Với nhiều nước khác, đều có sự nhìn lại và điều chỉnh về cơ cấu năng lượng quốc gia. Cùng với đó, công nghệ năng lượng góp phần làm thay đổi giá dầu, gián tiếp tác động đến sự thay đổi chính sách kinh tế của các quốc gia. Với các nước nhập khẩu dầu mỏ, giá dầu giảm là dịp may để cơ cấu lại sản xuất. Đối với một số quốc gia sản xuất dầu mỏ, trong đó ngân sách phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhìn chung trước mắt sẽ bị ảnh hưởng lớn và phải có các điều chỉnh chính sách bắt buộc.
 
Công nghệ năng lượng cũng tạo ra sự thay đổi quan điểm về địa - chính trị thế giới. Phó viện trưởng Võ Trí Thành cho rằng, Trung Đông - vốn được xem là rốn dầu của thế giới, điểm nóng của nhiều xung đột - sẽ bị thay đổi về vai trò trong bản đồ chính trị toàn cầu khi với công nghệ khai thác dầu khí mới, Hoa Kỳ có thể bảo đảm đủ năng lượng, không cần phải nhập khẩu và thậm chí đã và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai. Nhóm các nước OPEC cũng không còn nhiều quyền năng để chi phối giá dầu thế giới. Ngay cả khu vực biển Đông, nếu có những thay đổi trong công nghệ năng lượng, thì cách nhìn về khu vực này cũng ít nhiều sẽ khác. Vai trò của Nga trong cung cấp năng lượng cho thế giới và châu Âu cũng khác. Và khi đó, sức mạnh của các quốc gia vốn được xem là tạo ra công nghệ và làm chủ năng lượng cũng sẽ thay đổi.
 
Tuy nhiên, công nghệ khai thác dầu khí đá phiến, một trong những nguyên nhân làm tăng nguồn cung, kéo giá dầu xuống thấp có thể làm giảm động lực và nguồn lực đầu tư cho các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; dấy lên những lo ngại về việc sử dụng các loại công nghệ tiêu tốn nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ khai thác dầu khí đá phiến mang lại, công nghệ này cũng đang đặt ra bài toán xử lý các hóa chất và chất thải trong quá trình khai thác, gây ô nhiễm môi sinh.

Tự Cường