Công nghiệp hóa và ô nhiễm môi trường

- Chủ Nhật, 06/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Phát triển công nghiệp đang được xem là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam thoát nghèo. Tuy nhiên, cái giá phải trả không hề nhỏ khi hầu hết những ngành công nghiệp mũi nhọn lại có mức độ ô nhiễm nặng nhất hiện nay.

      Những con số báo động
      Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là những nơi gây ô nhiễm nhất. Kết luận này được đưa ra trong Báo cáo Đánh giá và Phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp Chế biến và Chế tạo Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện, TP Hồ Chí Minh chiếm tới 50% tổng lượng ô nhiễm không khí, 52,7% tổng tải lượng ô nhiễm hoá chất, 52,5% tổng tải lượng ô nhiễm kim loại của vùng Đông Nam bộ. Trong số 10 tỉnh có chỉ số ô nhiễm cao nhất thì riêng miền Nam có tới 5 tỉnh, miền Bắc 4 tỉnh và miền Trung 1 tỉnh.
      Ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ qua và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Sản lượng sắt, thép, xi - măng, gốm sứ tăng từ 16-32%/năm. Tuy nhiên, việc các cơ sở công nghiệp hiện chỉ tập trung ở một số vùng là yếu tố bất lợi đối với công tác quản lý môi trường. Đặc biệt, sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp và làng nghề tạo nhiều điểm tập trung sản xuất mới, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, khiến cho mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Trong 5 năm tới, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm của ngành công nghiệp là 15%, đồng nghĩa với lượng ô nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên.
Cũng theo báo cáo trên, những ngành công nghiệp chế biến từ trước tới nay vẫn đóng vai trò then chốt cũng thuộc diện gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Xếp đầu bảng là công nghiệp hoá chất gây ô nhiễm không khí, đất và nước; Tiếp sau là các ngành sản xuất và tái chế kim loại. Theo kết quả khảo sát của UNDP, ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam là vấn đề đáng báo động nhất hiện nay. Có 30 trên tổng số 129 ngành đứng đầu bảng gây ô nhiễm hội tụ đủ cả bốn loại ô nhiễm là: đất, nước, không khí và môi trường.
      Cần có cơ chế giám sát và cưỡng chế đủ mạnh
      Giai đoạn từ năm 1995-2005 có 145 dự án liên quan đến vấn đề kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm. Chi phí cho công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm đã tăng từ 1,5 tỷ USD (giai đoạn từ năm 1996-2000) lên 2,3 tỷ USD (giai đoạn từ năm 2001-2005). Cùng với đó, Chính phủ cũng cam kết dành 1% tổng chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, tuy nhiên, con số này cũng chỉ đạt 1/5 so với yêu cầu thực tế. Cho tới nay, nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm do các tổ chức quốc tế hỗ trợ cộng với trích từ ngân sách Nhà nước đã lên tới hàng tỷ USD, trong đó, trích từ ngân sách Nhà nước ngày càng tăng. Điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác bảo vệ môi trường ngày càng cao. Song, chỉ đầu tư thôi thì chưa đủ mà rất cần chính sách và chế tài đủ mạnh mới hy vọng giảm và kiểm soát chặt chẽ được tình trạng ô nhiễm môi trường trong xu thế phát triển công nghiệp hiện nay, tránh những hiểm họa môi trường trong tương lai. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp sản xuất - nguồn gốc gây ô nhiễm trực tiếp - lại khá dè xẻn trong việc đầu tư, nâng cấp công nghệ, hệ thống xử lý chất thải. Hơn nữa, do năng lực và mức độ đầu tư dành cho môi trường vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế, nên dù Chính phủ và doanh nghiệp có nỗ lực nhưng mức độ chuyển biến vẫn chưa nhiều. Hoạt động quản lý môi trường giữa các bộ ngành liên quan hiện còn chồng chéo cũng là trở ngại, khiến ô nhiễm môi trường rơi vào cảnh cha chung không ai khóc. Việc minh bạch hệ thống hành chính công theo hướng cởi mở, có sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả cao hơn. Một cơ chế giám sát và cưỡng chế đủ mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp phải nể sợ.

MAI THU