Công tác dự báo bão: Chưa có nước nào trên thế giới dự báo tuyệt đối chính xác

- Thứ Hai, 01/10/2018, 00:01 - Chia sẻ
Tại Hội thảo khoa học “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo bão” do Tổng cục KTTV Bộ TN - MT tổ chức , ông Raymond Tanabe, Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương khẳng định dự báo cường độ bão đã, đang và sẽ là bài toán khó với ngành khí tượng thế giới kể cả các nước có nền công nghệ tiên tiến. “Không chỉ Việt Nam, các nước có nền công nghệ hiện đại như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gặp trở ngại này trong nhiều năm qua”.

Trong đầu tháng 9.2018, siêu bão Jebi với sức gió mạnh nhất đạt 217km/h (cấp 16) đã tàn phá nặng nền Nhật Bản, khiến 11 người thiệt mạng và hơn 150 người bị mất tích. Ngày 15.9, siêu bão Mangkhut với sức gió mạnh nhất đạt 275km/h (cấp 17) đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Philippines với thiệt hại ban đầu đã là 14 người thiệt mạng. Không chỉ ở Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, bão cũng xuất hiện đồng thời trên hầu hết các đại dương trong khoảng thời gian giữa tháng 9. Thống kê trong ngày 11.9.2018 cho thấy có tới 9 xoáy thuận nhiệt đới (bao gồm cả bão, áp thấp nhiệt đới và các vùng áp thấp) hoạt động đồng thời trên toàn cầu (hình 2). Trong đó có các cơn như bão Florence, Helene, Isaac và vùng thấp 95L ở Đại Tây Dương, bão Paul và Olivia ở Đông Thái Bình Dương. Đặc biệt là siêu bão Mangkhut đang gây ảnh hưởng đến các nước Philippin, Trung Quốc... với diễn biễn ngày càng khó lường

Theo khảo sát mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản về khả năng dự báo quỹ đạo bão của các mô hình dự báo thời tiết số của các trung tâm dự báo thời tiết và khí hậu lớn của thế giới cho thấy, khả năng dự báo quỹ đạo bão của các mô hình dự báo thời tiết số ngày càng tăng trong suốt hơn 20 năm qua. Sai số dự báo quỹ đạo báo 3 ngày của mô hình châu Âu, Anh và Mỹ (NCEP) tính đến thời điểm năm 2014 là tốt nhất và ở mức khoảng 200 km. Sai số dự báo 3 ngày giai đoạn 2012 - 2014 xấp xỉ với sai số dự báo 5 ngày giai đoạn 1991 - 1993, tức là sau khoảng 20 năm, thời hạn dự báo quỹ đạo bão đã cải thiện được khoảng 2 ngày. Đối với dự báo cường độ bão, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, hầu như không có sự cải thiện nào về khả năng dự báo cường độ bão trong hơn 20 năm qua. Các mô hình vẫn thường (khoảng 60 - 90%, tùy mô hình) dự báo thiên thấp cường độ bão.

TS. Mai Văn Khiêm - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Hoạt động của bão ngày càng trở nên bất thường và khó dự báo. Trong nhưng năm gần đây ngày càng có nhiều cơn bão với cường độ mạnh đến rất mạnh xuất hiện trên các vùng đại dương. Nhiều cơn bão có quỹ đạo không đúng với quy luật nào cả, đơn cử như cơn bão số 4 vừa qua có đường đi và chu trình hoạt động chưa từng có trong lịch sử quan trắc bão của thế giới. Sự khó khăn trong dự báo thời tiết nói chung và dự báo bão nói riêng là do bản chất của khí quyển luôn có tính hỗn loạn và bất định cao. Vì vậy có thể nói, dự báo chính xác vị trí, hướng đi của bão đến nay là mục tiêu mà cả thế giới cũng chỉ đang hướng đến.

Đình Bảo