Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng

- Thứ Tư, 13/10/2021, 13:34 - Chia sẻ
Đợt dịch thứ tư kéo dài với biến thể Delta đã khiến dịch bùng phát trên diện rộng và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Song, với các chủ trương đúng đắn và kết hợp đồng bộ các giải pháp phù hợp với diễn biến dịch và điều kiện thực tế tại địa phương, số người chết những ngày gần đây đã giảm, số người khỏi bệnh nhiều. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống dịch đã và đang đi đúng hướng.
Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Theo Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đợt dịch thứ tư đặc biệt nguy hiểm với sự tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Delta, khiến số ca mắc và số ca tử vong tăng cao. Có những lúc, tỷ lệ tử vong tại Việt Nam lên tới 2,5%, cao hơn mức trung bình của thế giới (2,1%).

Ở giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến chống Covid-19 lần thứ 4 từ ngày 23.8 đến ngày 30.9, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện 48 giờ xét nghiệm 1 lần, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus Covid-19 nên số ca mắc mới được phát hiện sớm nhất, từ đó đưa ra được biện pháp quản lý, điều trị phù hợp. Cùng với đó, cũng có những thay đổi trong cách tổ chức điều trị cho người nhiễm Covid-19; đưa vào sử dụng thuốc thế hệ mới… Vì vậy, số ca mắc mới, số ca tử vong đã giảm rõ rệt.

Có thể thấy, ở thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, số người mắc thường ở mức hơn 10 nghìn ca mỗi ngày thì 6 ngày gần đây số ca mắc từ 3.500 đến 5.000 ca/ngày. Số người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh cũng tăng cao, có những ngày số khỏi nhiều hơn 5 lần số mắc. Cùng với đó, số người chết đã và đang giảm dần. Nếu như trước đây, có những ngày số người chết lên đến hơn 300 trường hợp thì đến nay đã giảm từ 110 đến 130 ca/ngày.

Để đạt được những kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự quyết liệt triển khai linh hoạt, đồng bộ các biện pháp của ngành y tế. Sớm nắm bắt tình hình, Bộ Y tế đã thành lập bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam phòng, chống dịch. Rất nhiều đoàn công tác lập tức vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai,... hỗ trợ chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ, công tác phòng, chống dịch của địa phương là chưa có tiền lệ. Song, thành phố đã cố gắng hết sức, tập trung huy động mọi nguồn lực; tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của cấp trên; chủ động lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để đưa ra biện pháp phù hợp.

“Công tác phòng, chống dịch đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới” - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị
Tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị

5 biện pháp thay đổi “cục diện”

Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, sau giai đoạn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh trên cả nước nhìn chung đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ bao phủ vaccine được nâng lên. Trong đó, phải kể đến 5 biện pháp được coi là trụ cột, làm thay đổi “cục diện” trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này.

Thứ nhất là triển khai cách ly F1 tại nhà, quyết định này đã giảm áp lực rất lớn cho các cơ sở cách ly tập trung và giảm lây nhiễm chéo tại chính các cơ sở cách ly tập trung.

Thứ hai, trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, số người mắc Covid-19 trở nặng cần nhập viện điều trị kịp thời gia tăng, khiến các cơ sở y tế địa phương quá tải, Bộ Y tế quyết định phân công các bệnh viện tuyến Trung ương vào trực tiếp hỗ trợ điều trị Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; thực hiện phân loại nguy cơ người nhiễm. Điều này đã tác động đáng kể đến việc giảm thiểu tử vong do phân loại đối tượng nguy cơ cao, rất cao để theo dõi liên tục, theo dõi diễn tiến người bệnh trở nặng hoặc cần nhập viện kịp thời.

Thứ ba, Bộ Y tế đồng ý thực hiện cách ly, theo dõi, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà ở khu vực tâm dịch như TP Hồ Chí Minh. Đây là bước ngoặt của chiến lược điều trị, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện với chiến lược đưa y tế đến gần dân, nhất là ba túi thuốc điều trị, trong đó, có thuốc kháng đông, kháng viêm để bệnh nhân kịp thời sử dụng sớm nhất; xét nghiệm, tiêm chủng, oxy, trạm y tế lưu động để kịp thời đưa người bệnh trở nặng vào điều trị tại cơ sở y tế.

Thứ tư, thành lập các trung tâm hồi sức tích cực người Covid-19; trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế, đưa thuốc điều trị Covid-19, kháng đông, kháng viêm vào điều trị sớm.

Thứ năm, Bộ Y tế cùng địa phương đã điều động khoảng 20.000 cán bộ y tế, sinh viên y khoa vào các điểm tâm dịch hỗ trợ. Chiến lược chống dịch cũng chuyển từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, đòi hỏi các bệnh viện cũng phải điều chỉnh để thích ứng trong giai đoạn mới. Các bệnh viện là “bệnh viện tách đôi”, một nửa khám, chữa bệnh thông thường và một nửa luôn sẵn sàng, chủ động chống dịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành phố TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đang trở về các địa phương sau thời gian tăng cường giãn cách xã hội, trong đó có thể có những người dương tính. Vì vậy, vẫn phải luôn cảnh giác, tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị.

Hải Yến