Công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao

- Thứ Ba, 27/04/2021, 08:20 - Chia sẻ
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu phát triển đất nước với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, để triển khai thực hiện thành công nghị quyết đòi hỏi phải tập trung xây dựng một bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

Khắc phục bằng được  “trên nóng, dưới lạnh”

Quyết tâm xây dựng Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước khi phát biểu nhậm chức tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV. Cam kết này là cơ sở để cử tri và nhân dân đặt kỳ vọng vào việc triển khai các mục tiêu hết sức hệ trọng đã được Đảng ta đặt ra tại Đại hội XIII. 

Dù vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, để thực hiện được cam kết trên đây, Thủ tướng và tập thể Chính phủ cần tập trung khắc phục bằng được những hạn chế mà Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã chỉ ra. Trong đó, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc thực hiện phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động trong nhiệm kỳ này đã làm chuyển động bộ máy hành chính nhà nước, tuy nhiên, những chuyển biến này vẫn còn chậm, chưa vững chắc, có chuyển nhưng chuyển chưa nhiều, có động nhưng động chưa đều, chưa đồng bộ.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), bộ máy hành chính nhà nước nhiệm kỳ này vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập trong phân cấp, phân quyền và đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh" và vẫn còn cơ chế xin - cho, vẫn còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách. Khi một cỗ máy đang vận hành chỉ cần một số chi tiết nhỏ, thiếu đồng bộ hay một quy trình lỡ nhịp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của bộ máy đó. Bộ máy hành chính nhà nước cũng tương tự như vậy. Do vậy, nhiệm vụ hệ trọng của Chính phủ trong thời gian tới là phải tập trung xây dựng một bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, rất cần xây dựng một Chính phủ mở và một nền hành chính nhà nước mở. Phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong tất cả thông tin. Thực hiện ưu tiên đối thoại, phản biện và tư vấn chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc người dân phải được tham gia vào các quy trình xây dựng chính sách. Phải xây dựng được một cơ chế thông tin công khai, minh bạch, một hệ thống dữ liệu cập nhật và được đưa vào hệ thống để các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ và khai thác chung; đồng thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, thuận lợi.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại hội trường

Đột phá trong phương thức quản lý

Một yêu cầu nữa được các đại biểu đặt ra đối với Chính phủ là phải có sự thay đổi mang tính đột phá trong phương thức quản lý. Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 rất thành công trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc quyết liệt chỉ đạo; giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành để cắt giảm tới 63% điều kiện kinh doanh và cắt giảm tới 68% các danh mục, dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; để môi trường kinh doanh tăng lên 2 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng lên 10 bậc. Thành công này của Chính phủ tiền nhiệm đặt ra một thách thức vô cùng lớn cho nhiệm kỳ tới.

Bởi như đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) chỉ ra: “chúng ta không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính. Cho nên, muốn tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thì không phải là tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục mà phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin, cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện hậu kiểm”.

 Phương thức quản lý này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý. Đây phải là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu chuyển đổi số và ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo trong quản lý thì tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách về thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành những điều có thể và mang lại nguồn lực vô cùng lớn cho đất nước. Chuyển đổi số cũng sẽ biến những vấn đề phức tạp, làm đau đầu các nhà quản lý thành nguồn lực cho đất nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn chứng, nếu chúng ta chuyển đổi số toàn bộ thông tin về quản lý đất đai và chuyển thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai từ làm thủ công bằng giấy, phức tạp và khó khăn như hiện nay chuyển sang đăng ký một cách tự động do người dân tự thực hiện thì cơn “sốt” đất đai từ đầu năm đến nay sẽ mang lại cho ngân sách một nguồn thu rất lớn từ các giao dịch bán đi bán lại.

Chuyển số đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến để yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh, hoặc phải giải quyết để đáp ứng các yêu cầu cho doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế quản lý.

Anh Thảo