Cột mốc lớn hướng tới Chính phủ số

- Thứ Sáu, 26/02/2021, 08:33 - Chia sẻ
Chiều qua 25.2, Bộ Công an tổ chức Lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là cột mốc lớn, bước tiến quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng.

Tiết kiệm 5.000 tỷ/năm

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, cũng như đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn VNPT đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào các dự án.

Thực hiện Luật Căn cước công dân, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896), lực lượng Công an được giao nhiệm vụ “chưa có tiền lệ”: xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Để triển khai nhiệm vụ, Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, một số bộ, ban, ngành cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thử nghiệm, kết nối các dịch vụ công từ Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện công tác quản lý, vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), tích hợp các dịch vụ, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương…

Đến thời điểm này, Bộ Công an đã hoàn thành 100% việc bố trí 5 công an chính quy ở mỗi xã; hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm 5 phòng và trung tâm. Bộ cũng thành lập gần 100 đoàn công tác với hơn 200 lượt và gần 6.000 đoàn của công an các địa phương kiểm tra, phúc tra đến tận cơ sở, bảo đảm chính xác thông tin đã thu thập, qua đó nắm tình hình cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 dự án, kịp thời đưa ra giải pháp hiệu quả cho từng địa phương.

Với vai trò là đối tác chủ trì về công nghệ cho Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VNPT đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất tập đoàn và 63 tỉnh, thành phố cùng các đối tác trong liên danh quyết liệt triển khai dự án với tiến độ khẩn trương và hiệu quả nhất. “Trong vòng 5 tháng (từ tháng 9.2020 - 2.2021), VNPT đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ, chiến sĩ công an sử dụng hệ thống. Có thể khẳng định, đến nay mọi công tác chuẩn bị về hạ tầng và công nghệ, kỹ thuật để đưa Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành đã sẵn sàng”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Đức Long cho biết.

Đối với Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06 ngày 23.01.2021 quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân với nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin liên quan, đồng thời thay thế việc lấy vân tay phẳng bằng vân tay lăn. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Công an thu thập được gần 600.000 hồ sơ cấp Căn cước công dân và tiến hành sản xuất, in thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho người dân trên toàn quốc.

Theo Bộ Công an, khi hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. "Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm”, lãnh đạo Bộ Công an xác nhận.

Chiến sỹ Công an hướng dẫn nhân dân kê khai phiếu thu thập thông tin dân cư

Nguồn: ITN 

Tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực, quyết liệt của Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong xây dựng, vận hành hai hệ thống. Đặc biệt, Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép 2 dự án, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: việc khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một mốc lớn, bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng. Khi đi vào hoạt động, hai hệ thống này sẽ cung cấp thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động hoặc được tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân. Đây cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, Thủ tướng tin tưởng.

Nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, do đó cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý dân cư nói riêng, Thủ tướng cho rằng việc khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân hôm nay mới chỉ là bước đầu quan trọng.

Cho rằng “còn rất nhiều việc phải làm”, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hai hệ thống này, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất cũng như an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối các bộ, ngành, địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích cực đồng hành cùng Bộ Công an trong quá trình triển khai hai dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I.2021 để tạo hành lang pháp lý trong vấn đề danh tính số. Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bảo đảm thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an xây dựng phí, lệ phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm hiệu quả tái đầu tư, duy tu bảo dưỡng và khai thác dữ liệu…

Đan Thanh