Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu tại châu Âu?

- Thứ Hai, 24/01/2022, 06:19 - Chia sẻ
Hiện nay, châu Âu là khu vực đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh của chủng Omicron khiến mọi kế hoạch trước đó đều lệch hướng. Khi một số quốc gia không thể ngăn chặn dịch bệnh bằng các phương pháp cũ, thì một số nước đã thay đổi cách tiếp cận với đại dịch Covid-19 sang phương pháp gần giống như cách điều trị bệnh cúm, với hy vọng mau chóng biến Covid-19 thành bệnh đặc hữu.

Định hướng sống chung với Covid-19

Các chính trị gia và một số chuyên gia y tế tại châu Âu đang thúc đẩy một cách tiếp cận mới đối với đại dịch Covid-19, với mục đích hướng Covid - 19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa. Sự thay đổi về các phương pháp và cách tiếp cận với dịch Covid-19 tại các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha... diễn ra ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó đã cảnh báo còn quá sớm để có thể coi Covid-19 như cúm mùa. WHO cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết về căn bệnh này, và biến thể Omicron vẫn đang khiến số ca nhiễm ở châu lục này tăng vọt. Song, những chuyên gia ủng hộ chiến lược sống chung với Covid-19 chỉ ra rằng, sự gia tăng số ca mắc bệnh hiện nay khác với những ngày đầu đại dịch bởi phần lớn dân số châu Âu đã được tiêm chủng và tỷ lệ nhập viện do Covid-19 đã thấp hơn nhiều.

Nguồn: Aljazeera

Hơn nữa, hiện nay trên thị trường đã có nhiều loại thuốc, kết hợp với cách chữa trị hợp lý sẽ giúp cho người dân có thể tự chữa bệnh ở nhà. Tại Anh, kể từ đầu năm 2022 quốc gia này cũng đã thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19. Thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh. Nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Omicron đã lưu hành rộng rãi ở Anh nên việc xét nghiệm cũng không ảnh hưởng đến việc hạn chế sự lây lan của nó.

Mặt khác, những thay đổi này vẫn còn mâu thuẫn. Mặc dù một số chính trị gia tuyên bố làn sóng lây nhiễm mới nhất đã kết thúc, đồng thời nhiều người dân đã ủng hộ việc dần trở lại trạng thái bình thường, song nhiều chuyên gia lại bày tỏ sự thận trọng về tất cả những điều chưa biết và nguy cơ các biến thể mới xuất hiện. Có ý kiến cho rằng, thế giới phải tiếp tục vận hành, con người cần phải sống chung với Covid-19 như bệnh đặc hữu, nhưng điều này không có nghĩa là bệnh đặc hữu không nghiêm trọng, mà vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Nguy cơ hiểu sai thông điệp

Các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ hiểu sai về việc sống chung với đại dịch. Cụm từ được nghe thấy nhiều nhất hiện nay là “sống chung với virus". Đây là quan điểm được các quan chức hoan nghênh, đặc biệt trong bối cảnh người dân đã dần kiệt sức trước thách thức và sự gián đoạn khi đại dịch bước sang năm thứ 3. Song, một số chuyên gia cũng cảnh báo mọi thứ có thể mất cân bằng và dẫn đến những tác động tiêu cực trở lại. Giới chuyên gia lo ngại rằng, chính phủ một số nước đang đánh cược vào một kết quả tương đối khả quan từ sự xuất hiện của biến chủng Omicron, và gửi thông điệp sai lệch khiến những người vốn thận trọng, giờ đây cũng từ bỏ hạn chế giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Các nhà dịch tễ học cho biết, chiến lược sống chung với virus đánh giá thấp những nguy hiểm do Omicron gây ra.

Mặc dù tình trạng dịch bệnh hiện nay không còn giống như hai năm trước vì con người đã có “vũ khí" để chống lại virus, bao gồm vaccine. Bản thân virus và căn bệnh mà nó gây ra giờ đây đã quá quen thuộc, không còn gợi lên sự sợ hãi như thuở ban đầu. Nhiều quốc gia vẫn áp đặt các yêu cầu về khẩu trang, quy định tiêm chủng và hạn chế đi lại, nhưng các biện pháp cũng như cách thực hiện không còn được mạnh mẽ như trước. Ngay cả khi biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh xuất hiện, thế giới cũng không quay lại tình trạng phong tỏa như mùa đông 2020, và điều này mang lại những hậu quả nhất định. Điển hình như Australia, quốc gia này từng được ví như hiện tượng “Zero Covid-19” đã lựa chọn chính sách nới lỏng trong những tuần gần đây. Quyết định loại bỏ các hạn chế ngay khi số ca nhiễm Omicron tăng đã khiến cho hệ thống y tế quốc gia này phải lao đao.

Bên cạnh đó, hiểu sai khái niệm đặc hữu cũng sẽ mang lại hậu quả khôn lường. Một số chuyên gia nhận định độc lực của Omicron nhẹ hơn so với các chủng virus trước. Trong kịch bản lý tưởng, làn sóng dịch do chủng mới gây ra có thể giúp một lượng lớn dân số đạt được miễn dịch tự nhiên, và ít bị tổn thương hơn trước các đợt dịch khác trong tương lai. Đây có thể là làn sóng dịch lớn cuối cùng, và virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại nhưng sẽ ít nguy hiểm hơn. Các nước châu Âu, đang tập trung vào tiêm chủng như là chìa khóa để giảm thiểu tác động của đại dịch, cũng như tỷ lệ các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, họ lại dường như bỏ quên tầm quan trọng của việc ngăn chặn lây nhiễm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Khi bước sang năm thứ ba của đại dịch, tâm lý của người dân đã dần thay đổi và không còn cảnh giác như trước. Các quan chức y tế công cộng cảnh báo, đây là một thái độ nguy hiểm, và chính điều này sẽ khiến cho bệnh dịch trở nên khó khăn hơn.

Các chuyên gia cho rằng, mọi người đã hiểu sai khái niệm về tính đặc hữu, đó là thời điểm virus tiếp tục lưu hành ở mức độ thấp nhưng không tạo ra các đợt bùng phát dịch ở mức độ cao. Nhiều người nghĩ rằng, "đặc hữu" có nghĩa là cuối cùng chúng ta cũng sẽ bị nhiễm bệnh, vì vậy tại sao chúng ta không kết thúc nó bằng cách nhiễm bệnh. Những điều này không phải là ý nghĩa tính đặc hữu mà các nhà khoa học muốn truyền tải.

Luôn phải thận trọng

Sau nhiều làn sóng dịch, nhiều quốc gia cũng như người dân đây đó đã hình thành ý thức chủ quan khi luôn suy nghĩ dịch bệnh không thể chuyển biến tệ như ban đầu. Phải nhớ rằng, dù số ca tử vong có thể giảm nhưng nếu số ca mắc vẫn tăng mạnh thì nguy cơ nhập viện vẫn không thể lường trước được. Tại Anh, một trong những mối lo ngại lớn nhất là áp lực mà dịch bệnh gây ra đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Trong khi đó, tại Pháp, số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn đang có xu hướng tăng lên, với gần 300.000 ca bệnh mới được báo cáo mỗi ngày trong tuần trước, cao gần gấp 6 lần so với một tháng trước. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọn cách giảm tối thiểu các hạn chế và tập trung vào việc thúc giục người dân tiêm chủng. Trước tình hình này, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết, các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu từ Anh để xác định liệu Pháp đã gần đạt tới mức đỉnh điểm của dịch hay chưa.

Italy cũng không phải ngoại lệ khi đang phải vật lộn với số ca mắc tăng kỷ lục. Các nhà dịch tễ nước này cho biết, Italy vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm và số ca bệnh tăng đột biến tiếp tục gây áp lực lên các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Các nhà khoa học Italy đồng ý rằng còn quá sớm để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, ngay cả khi đã đến lúc tính đến thực hiện giai đoạn bình thường mới và sống chung với virus. Nhiều chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu khắp châu Âu cũng cho rằng, nên thận trọng với việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Họ lập luận rằng việc giảm số ca mắc bệnh để tránh gây áp lực cho hệ thống y tế, bảo vệ cộng đồng và nền kinh tế vẫn là một yêu cầu cấp thiết. Ngay cả với những kịch bản lạc quan nhất, để Omicron lây lan không được kiểm soát sẽ mang lại những rủi ro có thể gây ra hậu quả không thể biết trước.

Như Ý