Covid-19 và bài học về quản trị

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:10 - Chia sẻ
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng khủng khiếp, mà còn làm đảo lộn hoàn toàn những giả định lâu nay về quản trị hiệu quả. Thực tế là một số quốc gia giàu có bậc nhất thế giới đã không quản lý cuộc khủng hoảng tốt như dự đoán, trong khi nhiều quốc gia nghèo hơn, đông dân và dễ bị tổn thương, lại thành công vượt quá mong đợi. Tờ Project Syndicate đã có bài phân tích về vấn đề này.

Thứ hạng đảo lộn

Ngay trước đại dịch, một liên minh các tổ chức lớn trên thế giới đã công bố Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (GHSI), xếp hạng năng lực của các quốc gia trong việc ngăn ngừa, phát hiện và báo cáo tình trạng lây nhiễm cũng như khả năng phản ứng khi dịch bệnh bùng phát. “Không có gì đáng ngạc nhiên, các quốc gia có thu nhập cao hơn có xu hướng ghi điểm tốt hơn trong mọi chỉ số”, một nhà báo của Statista nhận xét vào thời điểm đó. Đứng đầu danh sách “các quốc gia được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với đại dịch” là Mỹ và Vương quốc Anh.

Một năm sau khi dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới, thứ hạng hoàn toàn bị đảo lộn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9.2020, 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 xét về tỷ lệ tử trên một triệu người lại nằm trong số 20 quốc gia từng có điểm số GHSI cao nhất.

Tất nhiên, còn quá sớm để tụng xưng “mô hình thành công” trong đối phó với đại dịch bởi làn sóng mới của Covid-19 với những biến thể chưa được kiểm soát đang lan rộng ngay cả với những quốc gia từng nghĩ rằng họ đã đánh bại được virus này. Nhưng nhìn vào những gì diễn ra trong một năm qua, rõ ràng là một số chính phủ huy động và sử dụng các nguồn lực, kỹ năng và thể chế của họ hiệu quả hơn nhiều, trong đó có ba quốc gia được xếp hạng thấp nhất trên GHSI.

3 trường hợp điển hình

Một trong những trường hợp điển hình là Senegal. Với dân số chỉ hơn 15 triệu người và GDP bình quân đầu người khoảng 1.500 USD, Senegal xếp thứ 95 trong bảng xếp hạng GHSI với số điểm 37,9 (trong khi Mỹ xếp ở vị trí đầu tiên với 83,5 điểm). Tuy nhiên, vào tháng 1.2020, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, Senegal đã chuẩn bị sẵn sàng.

Khi phát hiện trường hợp Covid-19 đầu tiên ngày 2.3.2020, Senegal đã triển khai một loạt cơ sở xét nghiệm di động (có thể cho kết quả trong 24 giờ), thiết lập hệ thống truy vết đối với những người tiếp xúc với đối tượng bị cách ly cũng như thiết lập cơ sở cách ly tại phòng khám, bệnh viện và khách sạn. Chính phủ nước này ngay lập tức ra lệnh cấm tụ tập công khai, áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế đi lại trong nước và đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế. Đến tháng 4.2020, Senegal yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc ở tất cả khu vực công cộng. Tính đến tháng 10.2020, trên toàn Senegal ghi nhận khoảng 15.000 trường hợp mắc Covid-19 và 300 trường hợp tử vong.

Tất nhiên, mọi thứ không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Bạo loạn vào tháng 6.2020 buộc Chính phủ nước này phải nới lỏng hạn chế. Nhưng sau đó Senegal vẫn thích nghi nhanh chóng. Trung tâm Điều hành y tế khẩn cấp của nước này đã cho thấy sự minh bạch trong hoạt động. Thông qua phương tiện truyền thông, các nhóm tôn giáo, già làng, trưởng tộc và nhiều kênh khác, cơ quan này đã luôn cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh, điều mà họ đã học được từ đại dịch Ebola 2013 - 2016.

Cũng đạt được những kết quả vượt quá kỳ vọng là Sri Lanka. Với dân số 21,5 triệu người, quốc gia Nam Á này từng xếp thứ 120 theo bảng xếp hạng GHSI, nhưng đã có phản ứng nhanh chóng với thông tin ban đầu về Covid-19. Sri Lanka đã huy động quân đội để hỗ trợ, triển khai các cơ sở xét nghiệm nhanh tại địa phương (cho kết quả trong 24 giờ) và xét nghiệm PCR ở các khu vực đông dân cư. Sri Lanka cũng thiết lập chế độ kiểm soát, hỗ trợ những người bị cách ly, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng, hạn chế khách du lịch và yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với người nhập cảnh. Và, cũng như ở Senegal, Chính phủ Sri Lanka đã phát động chiến dịch truyền thông đại chúng rộng rãi. Tính đến tháng 11.2020, Sri Lanka chỉ có 13 trường hợp tử vong do Covid-19.

Một quốc gia tạo được ấn tượng đặc biệt trong công tác phòng, chống Covid-19 là Việt Nam. Với dân số hơn 95 triệu người và hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều thiếu thốn, Việt Nam đứng thứ 50 trên bảng xếp hạng GHSI, nhưng đã có những hành động khẩn trương kịp thời ngay khi xuất hiện thông tin về dịch bệnh ở nước láng giềng Trung Quốc. Việt Nam đã chuẩn bị hệ thống xét nghiệm ở các bệnh viện, áp đặt hạn chế đối với tất cả du khách đến từ Trung Quốc và ngay khi thế giới còn chủ quan với dịch bệnh, Việt Nam đã yêu cầu các biện pháp giãn cách xã hội ngặt nghèo. Mặc dù là một nước nghèo, Chính phủ Việt Nam đã miễn phí cho tất cả các đối tượng phải cách ly. Việt Nam cũng áp dụng chế độ khoanh vùng, truy vết các đối tượng bằng cách chia ra các cấp độ tiếp xúc, từ F0 (đối tượng dương tính với virus) đến F1 (đối tượng tiếp xúc trực tiếp với F0) và các F khác. Hệ thống này giúp việc truy vết trở nên dễ dàng hơn, triệt để hơn và tiết kiệm hơn. Đến tháng 10.2020, Việt Nam chỉ có 35 trường hợp tử vong, đợt dịch bùng phát ở miền Trung sau đó cũng được kiểm soát tốt.

Bài học là sự nhất quán

Nếu những nước nghèo kể trên có thể quản lý tốt dịch bệnh như vậy, tại sao những nước phát triển như Mỹ và Anh lại thất bại? Kinh nghiệm về đối phó với bệnh truyền nhiễm rõ ràng có vai trò quan trọng. Cũng như Senegal từng có nhiều kinh nghiệm trong đối phó với đại dịch Ebola giai đoạn 2013 - 2016, Việt Nam và Sri Lanka đều đã tiếp thu các bài học từ đại dịch SARS (2003) và MERS (2012). Mỗi nước đều có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng để quản lý các đợt bùng phát dịch.

Nhưng kinh nghiệm không phải là lý do duy nhất khiến ba quốc gia này có kết quả tốt hơn Mỹ và Anh. Có những nguyên nhân sâu sắc hơn liên quan đến quản trị. Tại Senegal, Sri Lanka và Việt Nam, mỗi chính phủ đều thống nhất xây dựng một chiến lược, trong đó chú trọng các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng để người dân tự ý thức về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, từ đó sẵn sàng làm theo những chỉ dẫn từ Trung ương. Ngược lại, cả Mỹ và Anh đều không chứng tỏ được khả năng huy động các thể chế hàng đầu thế giới của mình đằng sau một chiến lược quốc gia nhất quán. Thay vào đó, chính phủ của cả hai nước đều bị mắc kẹt trong “mối bất hòa của giới tinh hoa”.

Khi nói đến chiến lược, sự chia rẽ trong đảng Cộng hòa của Mỹ hay đảng Bảo thủ của Anh đã khiến các nhà lãnh đạo của họ chuyển từ cách tiếp cận này sang cách tiếp cận khác. Các chuyên gia tư vấn cạnh tranh để giành được sự chú ý và ảnh hưởng, quảng bá các mô hình và nghiên cứu riêng. Sự thiếu thống nhất trong chiến lược, đường lối, quá trình triển khai từ trung ương, đến sự thiếu tin tưởng của công chúng chính là nguyên nhân khiến các quốc gia giàu đó về tiềm lực vẫn trở thành nạn nhân thảm khốc nhất của Covid-19 trong năm qua.

Theo PS

Đạt Quốc