Xoá đói giảm nghèo ở Đông Nam Á

Covid-19 và bước lùi một thập kỷ

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:31 - Chia sẻ
Indonesia, nền kinh tế vốn được coi là phát triển năng động ở Đông Nam Á, đang chứng kiến tỷ lệ nghèo đói cao nhất kể từ hơn một thập kỷ qua. Hàng triệu người nơi đây đang phải vật lộn với khó khăn do đại dịch Covid-19. Và Indonesia không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất chịu những tác động kinh tế khủng khiếp từ đại dịch. Bóng ma nghèo đói có vẻ đang quay lại ám ảnh khu vực.

Nguy cơ tái nghèo

Thời gian đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình Lasmi Asih kể từ khi chồng cô mất việc tại một cửa hàng bách hóa ở Jakarta do đại dịch Covid-19. Cô giờ đây là trụ cột duy nhất của gia đình 4 miệng ăn với đồng lương ít ỏi của công nhân xưởng may.

Lasmi cho biết: “Chúng tôi thực sự chật vật để sống qua ngày. Trước đây chúng tôi có hai khoản thu nhập, không nhiều nhưng đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Giờ đây thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chúng tôi đã phải điều chỉnh mọi thứ, từ đồ ăn, thức uống hàng ngày... như thay gà bằng trứng, để tiết kiệm hơn”.

Những em nhỏ ở thủ đô Jakarta, Indonesia
Nguồn: EPA

Số tiền 4,2 triệu rupiah (298 USD) mà Lasmi kiếm được mỗi tháng cùng khoản viện trợ 2,4 triệu rupiah của chính phủ để mua bỉm, sữa và các vật dụng cần thiết khác cho cô con gái một tuổi, không đủ trang trải chi phí gia đình. Vì vậy, cô buộc phải vay 10 triệu rupiah từ ngân hàng và thêm 4 triệu rupiah từ một bên cho vay nặng lãi, lãi suất cao đến mức Lasmi lo sợ cô sẽ không bao giờ trả được nợ. “Giống như việc chúng ta đào một cái hố để lấp một cái hố khác. Thật khó có thể thanh toán được nợ nần vì chi phí của chúng tôi lớn hơn thu nhập”. “Tôi có thể nhịn ăn, nhưng các con tôi thì không thể”, chồng Lasmi cho biết thêm.

Lasmi là một trong hàng triệu người Indonesia đang gặp khó khăn về tài chính do đại dịch. Họ đứng trước nguy cơ tái nghèo và những thành tựu xóa đói giảm nghèo nhiều năm qua của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sắp bị xóa sổ.

Viện nghiên cứu SMERU trụ sở tại Jakarta dự đoán, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, đại dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng 1,3 triệu người Indonesia rơi vào cảnh nghèo đói trong năm nay, với tỷ lệ nghèo đói trên cả nước được dự báo sẽ tăng lên 9,7% so với mức 9,2% của tháng 9 năm ngoái. Còn trong trường hợp xấu nhất, tỷ lệ nghèo sẽ tăng lên 16,6% vào cuối năm, cao nhất kể từ năm 2007.

Số liệu chính thức của Chính phủ Indonesia dự kiến được công bố vào tháng 1 năm sau, nhưng theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 115 triệu người Indonesia đứng trước nguy cơ tái nghèo do đại dịch.

Trong khi đó, tình trạng lây nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu chậm lại, với khoảng 6.000 trường hợp mới được ghi nhận mỗi ngày những tuần gần đây. Tuần trước, Indonesia chứng kiến số người tử vong hàng ngày cao nhất từ ​​trước đến nay do đại dịch với 171 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết trên toàn quốc lên hơn 18.000 người - cao nhất Đông Nam Á.

Asep Surhayadi, nhà nghiên cứu tại SMERU, cho biết: “Trước đại dịch, Indonesia đang trên đường hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng giờ đây, mọi thứ trở nên tồi tệ, nên việc đạt được một số mục tiêu sẽ chậm trễ nhất định, không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn các mục tiêu khác như bình đẳng giới và thu nhập, cải thiện giáo dục, y tế và việc làm”.

Năm nay là năm đầu tiên Indonesia rơi vào suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, sau khi ghi nhận mức suy giảm kinh tế lần lượt là 5,32% và 3,49% trong quý II và III.

Những người như Lasmi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt là với quyết định của Chính phủ Indonesia tạm dừng tăng lương tối thiểu đã được thực hiện ở 29/34 tỉnh.

Theo số liệu từ cơ quan thống kê Indonesia, tính đến tháng 8, khoảng 2,67 triệu người đã mất việc làm. Đại dịch đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nước này lên trên 7% - mức cao nhất từ năm 2011.

Dian Septi từ Nhóm Bảo vệ quyền lợi người lao động Marsinah FM cho biết: “Người lao động không đi từ tầng lớp trung lưu sang nghèo, nhưng chúng tôi đi từ nghèo đến nghèo hơn trong đại dịch này. Nhiều người lao động đang phải vay nặng lãi… và có nguy cơ phải ra đường vì không chi trả nổi tiền thuê nhà”.

Nỗi đau lan rộng

Không chỉ Indonesia phải chịu tác động kinh tế bất lợi của đại dịch Covid-19, mà tỷ lệ nghèo đói được dự đoán ​​sẽ gia tăng đột biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á.

Theo ước tính của WB, khoảng 2,7 triệu người Philippines bị đẩy vào tình trạng nghèo đói trong năm nay, trong khi tại Thái Lan, Bộ Kế hoạch nước này tháng trước ước tính, hơn 11 triệu hộ gia đình có nguy cơ rơi vào đói nghèo. Ở Malaysia, quyết định sửa đổi chuẩn nghèo tháng 7 vừa qua, từ 980 ringgit (242 USD) lên 2.280 ringgit, cũng góp phần làm tăng tỷ lệ nghèo lên 5,6% so với 0,2% ở ngưỡng cũ.

Các nước kém phát triển hơn như Campuchia cũng bị ảnh hưởng nặng nề. WB ước tính tỷ lệ nghèo đói của nước này sẽ tăng tới 11% trong năm nay. Tại Lào, dự kiến ​​có tới 214.000 người sẽ tái nghèo và Myanmar, hơn 60% số hộ gia đình nông thôn được Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế khảo sát vào tháng 9 cho biết, họ kiếm được ít hơn 1,90 USD mỗi ngày - mức tăng rất lớn so với 16% của tháng 1.

Nhìn chung, sẽ có thêm khoảng 38 triệu người trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán ​​sống dưới mức nghèo khổ vào cuối năm nay, theo WB, nâng tổng số người sống trong cảnh nghèo đói trên toàn khu vực lên 517 triệu người. Trên toàn thế giới, tổ chức này dự đoán sẽ có thêm 115 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, làm đảo lộn mọi tiến bộ toàn cầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo 3 năm qua.

Chính phủ đã làm gì?

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết, để hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn và những đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch, Chính phủ Indonesia đã phân bổ khoảng 234,3 nghìn tỷ rupiah (16,6 tỷ USD) cho các chương trình an sinh xã hội như phân phối lương thực và hỗ trợ tiền mặt trực tiếp. Con số này sẽ còn cao hơn nhờ khoản ngân sách 408 nghìn tỷ rupiah của năm tới.

Tuy nhiên, mối hoài nghi đang bao trùm xã hội khi một số người đặt câu hỏi liệu số tiền có thể đến tay họ hay không, sau khi Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Juliari Batubara vừa bị các cơ quan chống tham nhũng bắt giữ vì nghi ngờ biển thủ công quỹ. Ông bị cáo buộc đã nhận 17 tỷ rupiah tiền hối lộ từ các công ty mà Bộ của ông chỉ định để cung cấp hỗ trợ lương thực cơ bản cho người nghèo.

“Tôi tự hỏi cuộc sống của những người như chúng tôi sẽ ra sao khi vẫn tồn tại những kẻ lợi dụng đại dịch để làm giàu cho bản thân”, Dian thuộc Nhóm bảo vệ quyền công nhân Marsinah FM bày tỏ.

Trong khi đó, Lasmi đã phải xoay ra làm đủ mọi việc từ bán đồ ăn vặt để có thêm đồng ra đồng vào. “Tôi hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền mặt vì tôi không phải là người duy nhất cảm thấy khó khăn”, Lasmi nói. “Chồng tôi đã xin việc nhiều nơi nhưng hiện tại vẫn chưa được tuyển dụng. Tôi hy vọng sẽ sớm có vaccine và đại dịch sẽ sớm qua đi để cuộc sống của chúng tôi có thể trở lại như trước đây”.

Quỳnh Vũ (Theo SCMP)