Covid-19 và sự gián đoạn của giáo dục toàn cầu

- Thứ Hai, 02/08/2021, 06:06 - Chia sẻ
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giống như nhiều hoạt động khác, lĩnh vực giáo dục đã bị gián đoạn và buộc phải đóng cửa ngay thời điểm dịch bùng phát. Hệ quả của việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập cũng như tương lai của học sinh, đặc biệt với những em khu vực nông thôn.

Việc đóng cửa trường học do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giáo dục của mọi quốc gia, mọi đối tượng, đồng thời đã cho thấy khoảng cách công nghệ số và bất bình đẳng kinh tế - xã hội giữa các quốc gia, giữa các cơ sở giáo dục và giữa học sinh, sinh viên.

Nguồn: Education International

Cuộc khủng hoảng học tập và sự phân hóa giàu nghèo

Tại Ấn Độ, khi làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 2 ập tới, Chính phủ nước này đã phải áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt hơn, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của những lao động vốn có thu nhập thấp. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Giáo dục Pratham cho thấy, với 37.000 trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 8 ở vùng nông thôn Ấn Độ, chỉ 16% học sinh lớp 1 có thể đọc được văn bản, trong khi gần 40% thậm chí không thể nhận ra các chữ cái trong bảng chữ cái. Ấn Độ có tỷ lệ học sinh bỏ học tương đối cao, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, với tỷ lệ học sinh trung học cao tới 17%.

Nghèo đói là một yếu tố dẫn đến trẻ em nghỉ học để đi làm và phụ giúp gia đình kiếm sống. Theo TS. Rukmini Banerji, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Pratham, trước dịch Covid-19 Ấn Độ có tỷ lệ trẻ em tiểu học nhập học cao, nhưng việc đóng cửa trường học quá lâu dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng, và một khi các trường học mở cửa trở lại, ngành giáo dục phải cần thực sự nỗ lực để đưa các em từ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch có thể trở lại trường.

Trẻ em tại Philippines cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng học tập trong đại dịch lần này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã từ chối dỡ bỏ các hạn chế cho đến khi việc tiêm chủng được hoàn thành. Vào hồi tháng 10.2020, một chương trình học tập kết hợp, bao gồm các lớp học trực tuyến, tài liệu in, các bài học được phát sóng trên truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội đã được đưa ra, song chương trình này vấp phải khó khăn khi hầu hết học sinh ở Philippines không có máy tính hoặc internet ở nhà. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thanh thiếu niên 15 tuổi ở Philippines đã đạt hoặc gần đạt phổ cập kiến thức về đọc, làm toán và khoa học. Nhưng kể từ khi trường đóng cửa, con số này đã giảm hơn một triệu người. Các chuyên gia lo lắng nhiều học sinh thậm chí còn bị tụt lại phía sau và nhiều em có thể sẽ không quay lại lớp học.

Mặc dù hạn chế này đã được dỡ bỏ trong một thời gian ngắn đối với trẻ em ở một số khu vực vào hồi tháng 1.2021, đồng thời chính phủ có kế hoạch mở cửa trở lại và có giới hạn với các trường học nhưng sau khi một số biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, Tổng thống Philippines đã nhanh chóng tái áp dụng quy định này, yêu cầu trẻ em xem truyền hình thay thế các hoạt động bên ngoài, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, việc đóng cửa trường học cũng làm rõ sự phân hóa giàu nghèo tàn khốc ở quốc gia này. Với gia đình có điều kiện, phụ huynh có tiền có thể thuê gia sư hoặc thậm chí thuê một giáo viên sống cùng trong nhà. Còn đối với những gia đình có hoàn cảnh ngược lại thì việc truy cập internet hay trả tiền thuê giáo viên là không thể, do đó nhiều trẻ em sẽ phải tự nghiên cứu các bài học thông qua các tài liệu được in ấn sẵn.

Các trường đại học hàng đầu thất thu

Ngành giáo dục ngoài việc đào tạo kiến thức, cũng là một mô hình kinh doanh thu hút nhiều học sinh nước ngoài, đặc biệt là các trường đại học Âu Mỹ luôn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên nếu muốn du học. Hệ thống đại học tại Mỹ, Anh, Australia và Canada được cho là dễ bị tổn thương trong đại dịch này, khi các trường này thu học phí và vay mượn phần lớn để đầu tư vào những thứ như phòng thể chất, chỗ ở cho sinh viên nhằm thu hút học sinh nước ngoài. Giới phân tích cho rằng, ngành giáo dục Anh đang phụ thuộc vào thị trường học sinh nước ngoài nhiều đến mức, cơ quan đại diện cho giáo dục đại học ở Anh Universities UK cảnh báo doanh thu năm học tới của các trường năm nay có thể tổn thất đến 7 tỷ bảng Anh, chiếm 1/3 học phí thu được từ sinh viên nước ngoài.

Trong khi đó, hội đồng các trường đại học Australia ước tính các thành viên sẽ thiệt hại khoảng 2,8 tỷ USD chiếm 14% tổng doanh thu cả năm, đồng thời quốc gia này cũng đối mặt nguy cơ mất vĩnh viễn thị phần giáo dục quốc tế. Hiệp hội các nhà kinh doanh giáo dục toàn cầu Australia vừa kêu gọi chính phủ nước này cần thực thi kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở lại các trường đại học trong nước, nếu không muốn bị mất thị phần vào các nước khác.

Theo đó, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà kinh doanh giáo dục toàn cầu Australia Phil Honeywood đưa ra một chương trình thí điểm sẽ được thực hiện, bao gồm đưa 300 sinh viên quốc tế đến phía Tây Australia, 800 sinh viên quốc tế đến Nam Australia và 350 sinh viên đến thủ đô Canberra để cách ly trước khi vào học. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị trì hoãn do một số lý do và tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại tại bang Victoria, khiến các bang khác quyết định đóng cửa trở lại biên giới địa phương. Việc chậm trễ khôi phục thị trường xuất khẩu dịch vụ sẽ khiến Australia thiệt hại ít nhất 4,8 tỷ AUD trong năm nay và có thể lên tới 16 tỷ AUD trong vòng 4 năm tới.

Giảm thiểu thách thức 

Để giảm thiểu thách thức đang gặp phải và trong tương lai, các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra ba khuyến nghị cốt lõi gồm thực hiện các chương trình phục hồi học tập, bảo vệ ngân sách giáo dục và chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chương trình dạy kèm 12 tuần có thể giúp học sinh đạt được tiến bộ như mong đợi từ 3 - 5 tháng học bình thường. Ở Italy, học sinh trung học cơ sở được dạy kèm trực tuyến ba giờ/mỗi tuần qua trực tuyến đã tăng 4,7% thành tích của họ trong các môn toán, tiếng Anh và tiếng Ý.

Tại Ukraine cũng đang triển khai “chương trình học tập liên tục”, bao gồm thông qua việc thành lập nền tảng Trường học Trực tuyến Toàn Ukraine cho học tập từ xa và kết hợp cho học sinh từ lớp 5–11. Dự án do Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine (MOES) và Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số tổ chức, giúp giáo viên và học sinh duy trì kết nối, có quyền truy cập vào tài liệu giáo dục và tiếp tục đi học trong thời gian thực hiện cách ly. Nền tảng này chứa các bài học trong 18 chủ đề cơ bản và bao gồm video, bài kiểm tra và một bản tóm tắt các bài học. Học sinh cũng có cơ hội để theo dõi tiến trình học tập của mình.

Để bảo đảm khả năng phục hồi bền vững, điều cần thiết là ngân sách giáo dục phải được bảo vệ và hỗ trợ các trường cần tài chính nhiều nhất, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải trải qua trong thời kỳ đại dịch. Các chính phủ nên ưu tiên dành phần lớn kinh phí và nguồn lực để hỗ trợ các trường dạy học từ xa, đặc biệt nếu các trường đó đa số phục vụ nhóm dân số nghèo và dân tộc thiểu số. Trong trường hợp ngân sách bị cắt giảm, các gia đình giàu sẽ có thể sẽ tiếp tục tài trợ cho các hoạt động thúc đẩy giáo dục như dạy thêm. Chính phủ các nước có thể tăng cường chi tiêu cho giáo dục trong những năm tới, bằng cách tăng cường chuyển giao cho chính quyền địa phương các thiết bị, đồ dùng dạy học, cung cấp hỗ trợ và bảo trợ xã hội hơn nữa cho giáo viên, nhân viên giáo dục thông qua việc tăng lương.  

Và để ứng phó với các khủng hoảng trong tương lai, các nước cần xây dựng năng lực để cung cấp các mô hình giáo dục kết hợp. Các trường học nên chuẩn bị để dễ dàng chuyển đổi phương thức giữa học trực tiếp sang học từ xa khi gặp bất kỳ sự kiện nào như thiên tai hay thời tiết bất lợi trong tương lai, buộc trường học phải đóng cửa. Ngoài ra, giáo viên cần được trang bị tốt kiến thức về thiết bị công nghệ thông tin, bằng việc cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn để cải thiện kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật số hay công nghệ tiên tiến mới. Quan trọng nhất là phải xây dựng một hệ thống giáo dục có thể sử dụng tốt các mô hình học tập kết hợp để tiếp cận tất cả người học ở trình độ và cung cấp các phương pháp giảng dạy đặc thù hơn trong tương lai.

Như Ý