COVID-19 tới 6h sáng 21.6: Thế giới vượt 179 triệu ca bệnh

- Thứ Hai, 21/06/2021, 07:42 - Chia sẻ
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 285.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 179 triệu ca, trong đó trên 3,88 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (53.009 ca), Brazil (44.178 ca) và Colombia (27.818 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới cũng là Ấn Độ (1.113 ca), Brazil (957 ca) và Colombia (599 ca).

Như vậy, số ca mắc và tử vong mới ở Ấn Độ vẫn cao nhất thế giới dù đang có xu hướng giảm dần so với trước. 

Xét về tổng số ca từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhất thế giới với trên 34,4 triệu ca mắc và 617.165 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với trên 29,9 triệu ca mắc và 388.164 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với trên 17,9 triệu ca mắc và 501.825 ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Sao Leopoldo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Sao Leopoldo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Á

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong 3 tháng 

Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này ghi nhận 53.009 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua - số ca nhiễm mới theo ngày ở mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. 

Ấn Độ cũng có thêm 1.113 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua.

Indonesia ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao nhất kể từ cuối tháng 1.2021

Indonesia ngày 20.6 ghi nhận 13.737 ca mắc COVID-19 mới, mức tăng cao nhất trong 1 ngày kể từ ngày 30.1.2021. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận gần 2 triệu ca nhiễm. 

Ngoài số ca nhiễm nói trên, trong ngày 20.6, Indonesia đã có thêm 371 ca tử vong do COVID-19. Đây cũng là ngày Indonesia có số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 54.662 ca.    

Riêng tại thủ đô Jakarta đã ghi nhận thêm 5.582 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ tư liên tiếp thủ đô của Indonesia phá vỡ kỷ lục với hơn 4.000 ca mắc mới mỗi ngày. Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19, Jakarta đã ghi nhận 4.144 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hôm 17.6, 4.737 ca hôm 18.6 và 4.895 ca hôm 20.6, cao hơn mức đỉnh cũ ghi nhận hôm 7.2. Tính đến nay, thành phố thủ đô của Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 474.029 ca mắc COVID-19, trong đó 435.904 ca đã phục hồi và 7.768 ca tử vong.

Trưởng Bộ phận Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Sở Y tế Jakarta, bà Dwi Oktavia cho biết sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 ở Jakarta lần này xuất phát từ làn sóng người dân đổ về quê nhân dịp lễ xả chay Eid al-Fitr cuối tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, tính đến ngày 20.6, tỷ lệ sử dụng giường cách ly để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại khu vực Jakarta đã lên tới 87%, trong khi tỷ lệ lấp đầy giường áp lực âm sắp chạm ngưỡng 90%.

Trung Quốc đã tiêm chủng 1 tỷ liều vaccine

Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 20.6 thông báo số lượng vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng tiêm chủng tại Trung Quốc đại lục đã vượt con số 1 tỷ mũi, tương ứng hơn 1/3 tổng số vaccine ngừa COVID-9 đã được tiêm trên toàn thế giới. 

Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa hiện đại. 

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Y tế Trung Quốc không nêu cụ thể tỷ lệ dân số Trung Quốc đã tiêm chủng vaccine. Giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối tháng 6 này tiêm chủng đầy đủ cho 40% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân của nước. Để khuyến khích người dân đi tiêm chủng, chính quyền một số tỉnh thực hiện chính sách tiêm miễn phí; Người dân tỉnh An Huy còn được tặng trứng khi tiêm chủng, trong khi nhiều người dân sống tại thủ đô Bắc Kinh nhận được phiếu mua hàng.

Từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước. Hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nước này đã mở rộng cho nhóm đối tượng trên 18 tuổi. Nước này đã phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp vaccine bất hoạt nội địa cho trẻ em từ 3 đến 17. Các chính sách chi tiết sẽ được xây dựng để tiêm chủng chó nhóm người trong độ tuổi này căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 cụ thể.

Hàn Quốc cho phép các cuộc tụ họp nhiều người hơn

Hàn Quốc ngày 20.6 đã công bố các quy định giãn cách xã hội mới cho phép tụ tập nhiều người hơn và dỡ bỏ các quy định đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19 được đẩy nhanh.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết bắt đầu từ ngày 1.7 tới, Chính phủ nước này sẽ cho phép các cuộc tụ tập lên đến 6 người ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Con số này sẽ được nâng lên 8 người sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 tuần.

Hàn Quốc đã công bố lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên ở khu vực Seoul và vùng phụ cận từ ngày 23.12.2020. Biện pháp này đã được áp dụng cho các khu vực khác vào tháng 1.2021. Các cuộc tụ tập lên đến 8 người sẽ được cho phép ở các khu vực khác ngay lập tức bắt đầu từ tháng 7 tới.

Cũng từ ngày 1.7, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ với các doanh nghiệp dưới 50 nhân viên. Các tổ chức kinh tế đang đề nghị Chính phủ hoãn thực thi trong thời điểm hiện nay, do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.

Australia sẽ không vội mở cửa trở lại biên giới 

Tại Australia, Bộ trưởng Thương mại nước này Dan Tehan tuyên bố Chính phủ nước này "không vội" mở cửa trở lại các cửa khẩu quốc tế.

Bộ trưởng Dan Tehan khẳng định Australia đang đàm phán về khả năng thiết lập bong bóng du lịch với Singapore, song quyết định cuối cùng sẽ được các chuyên gia y tế đưa ra dựa trên mối quan ngại về sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Ông Tehan nêu rõ: "Điều đó phụ thuộc phần lớn vào diễn biến tình trạng các biến thể khác nhau cũng như công tác giám sát tình hình. Chúng tôi đã khẳng định rõ ràng rằng sẽ chỉ thiết lập bong bóng du lịch với Singapore khi đủ điều kiện an toàn, trong lúc đó chúng tôi sẽ xem xét những quy trình cho phép điều đó trở nên an toàn nhất có thể".

Bong bóng du lịch giữa Australia và New Zealand đã được kích hoạt vào tháng 4, lần đầu tiên cho phép du khách đi lại giữa hai nước mà không cần cách ly kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, Chính phủ Australia không cho biết thời điểm nào biên giới nước này sẽ mở cửa trở lại đối với du khách tới từ tất cả các quốc gia và khu vực. Phát biểu của Bộ trưởng Tehan được đưa ra sau khi Thủ tướng Scott Morrison nói rằng Chính phủ Australia sẽ dành 6 tháng tới để giám sát tình hình dịch trên toàn cầu cũng như tính hiệu quả của các loại vaccine phòng COVID-19 trước khi đưa ra quyết định về biên giới.

Châu Âu

Nga thông báo có thêm trên 17.000 ca nhiễm 

Nga thông báo có thêm 17.611 ca nhiễm, riêng thủ đô Moskva tập trung 8.305 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 5.316.826 ca. 

Đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 129.361 ca tử vong do COVID-19 sau khi có thêm 450 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua.

Italy nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố rằng từ ngày 21.6, gần như toàn bộ các khu vực của nước này đều được xác định là vùng hầu như không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (vùng trắng), với hầu hết các quy định phòng dịch được dỡ bỏ.

Tại các vùng trắng, người dân chỉ phải tiếp tục tiến hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cả ở trong nhà và ngoài trời. Tại khu vực duy nhất bị xác định là vùng vàng (có nguy cơ thấp) về COVID-19 là Val d'Aosta, ngoài 2 quy định trên, còn có thêm lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng đối với những người chưa tiêm đủ vaccine.

Cũng trong ngày 20.6, Bộ Y tế Italy thông báo nước này ghi nhận thêm 881 ca nhiễm và 17 người tử vong. Cho đến nay, 45 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho người dân, với hơn 15 triệu người đã tiêm đủ vaccine.

Trong nỗ lực kiểm soát đại dịch, từ cuối năm 2020, Italy đã sử dụng hệ thống màu để chỉ tình hình COVID-19 tại các khu vực, với màu trắng chỉ những khu vực hầu như không có nguy cơ lây nhiễm, màu vàng chỉ các khu vực có nguy cơ thấp, màu cam – nguy cơ trung bình và màu đỏ - nguy cơ cao.

Bỉ cấm người đến từ Anh nhập cảnh

Nhằm hạn chế biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan, Bỉ sẽ cấm những người không phải công dân Liên minh châu Âu nhập cảnh nếu những người này tới từ Anh.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke, Anh nằm trong số 27 nước đối mặt với yêu cầu cấm nhập cảnh, chậm nhất có hiệu lực từ ngày 27.6. Bỉ đang rất quan ngại biến thể Delta, là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tại Anh trong thời gian gần đây tăng.

Như vậy, chỉ công dân các nước thuộc EU và người dân Bỉ mới có thể nhập cảnh nước này nếu đi từ Anh. Sau khi nhập cảnh Bỉ, tất cả những người này sẽ vẫn phải tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt cũng như xét nghiệm COVID-19. Quy định trên cũng áp dụng với người đến từ Nam Phi, Ấn Độ và Brazil.

Thống kê cho thấy hiện số ca nhiễm biến thể Delta chiếm khoảng 6,1% tổng số ca nhiễm tại Bỉ.

Châu Mỹ

Peru siết chặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh 

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Peru đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại đến từ Nam Phi, Brazil và Ấn Độ cho đến ngày 11.7. Theo biện pháp được áp dụng lần đầu tiên vào ngày 10.5, những người Peru đến và đi qua những nước này sau khi nhập cảnh Peru sẽ phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Tính đến nay, Peru ghi nhận 2.026.729 ca mắc COVID-19, trong đó có 190.202 trường hợp tử vong.

Vaccine của Cuba cho kết quả thử nghiệm đáng khích lệ  

Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba dẫn dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, cho biết vaccine Soberana 2 do nước này sản xuất cho hiệu quả phòng COVID-19 lên đến 62% chỉ với 2 trong số 3 liều tiêu chuẩn.

Ông Vicente Vérez, Giám đốc Viện Vaccine Finlay, cơ quan phát triển vaccine Soberana 2, nhấn mạnh: “Trong vài tuần nữa chúng tôi sẽ có kết quả về hiệu quả khi tiêm đủ 3 liều mà chúng tôi kỳ vọng là sẽ còn cao hơn”.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Cuba đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch COVID-19 do sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây. Cuba hiện có 5 ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có hai loại - Soberana 2 và Abdala – đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.

Theo số liệu chính thức, số ca nhiễm hằng ngày ở thủ đô La Habana đã giảm một nửa kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quốc gia, cùng với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn được áp đặt.

Chiến dịch tiêm chủng ở Canada đạt tiến triển  

Hơn 75% người Canada đủ điều kiện, trên 12 tuổi đã nhận được ít nhất một mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, trong khi hơn 20% đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo COVID-19 Tracker Canada, quốc gia Bắc Mỹ này đã chạm ngưỡng 75% trên vào tối 18.6 (giờ địa phương) với 25.029.378 người Canada được tiêm một liều vaccine. Đến chiều 19.6,  Canada đã tiêm đủ liều cho 20% dân số đủ điều kiện được tiêm hai mũi. Đến nay, tổng số 31.735.308 liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên cả nước.

Như vậy, Canada đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên do Cơ quan Y tế công cộng nước này đưa ra vào đầu tháng 5.2021. Vào thời điểm đó, các quan chức y tế liên bang đã công bố một lộ trình để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường vào mùa Xuân, mùa Hè và mùa Thu.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo vào tuần trước, người đứng đầu Cơ quan Ytế công cộng của Canada, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết các biến thể được sử dụng để xây dựng các mô hình dịch bệnh trước đó không bao gồm biến thể Delta, biến thể lây nhiễm nhiều và được cho là gây ra bệnh nặng hơn. Biến thể Delta được dự báo sẽ trở thành biến thể "thống trị" trên khắp đất nước. 

Theo TTXVN