CPI năm 2021 sẽ ở mức dưới 4%

- Thứ Bảy, 01/01/2022, 13:47 - Chia sẻ
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, mục tiêu kiểm soát giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 chắc chắn sẽ thấp hơn 4%.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng, có 4 tháng CPI giảm, 7 tháng tăng, trong đó có một số tháng tăng rất thấp. Bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước ở dưới mức 2% và còn thấp xa so với mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội là 4%.

Theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng rất thấp: Tháng 11 giảm 0,17%, sau 11 tháng chỉ tăng 0,33%, sau 1 năm giảm 0,08%. Trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại, bình quân 11 tháng chỉ có 1 nhóm tăng cao là giao thông; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,74%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,97%.

Về các yếu tố tác động, CPI 11 tháng và dự báo cả năm 2021 cũng có những diễn biến đáng chú ý. Đó là xét ở yếu tố tổng quát nhất của lạm phát là quan hệ cung - cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá so với cùng kỳ của 8 tháng giảm 6,2%; của 9 tháng giảm 8,7%, của 10 tháng giảm 10,3%, của 11 tháng giảm 10,4%. Mức sụt giảm diễn ra ở cả 4 ngành, kể cả ngành bán lẻ hàng hóa là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất (83,1%) và giảm sâu ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành...

Đối với yếu tố “chi phí đẩy”, giá nhập khẩu tăng ở hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, giá nhập khẩu 11 tháng năm nay so với cùng kỳ tăng cao như phế liệu sắt thép tăng 64,6%, quặng và khoáng sản khác tăng 58,6%, dầu thô tăng 57,3%, khí đốt hóa lỏng tăng 49,8… Trong khi đó, yếu tố tiền tệ, dù tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán/GDP ở mức cao (đến cuối năm trước đã là 192,4%), tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã là 145,1%, nhưng sức ép đối với lạm phát năm nay chưa cao.

Như vậy có thể thấy, dù so sánh với các mốc thời gian nào thì CPI 11 tháng năm 2021 vẫn thấp. Đây là tín hiệu khả quan để dự báo cả năm 2021 có thể chỉ bằng một nửa tốc độ tăng so với mục tiêu. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn được dự báo sẽ tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Lý do là bởi xu hướng các nước đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược khiến giá cả nguyên liệu tăng cao; đặc biệt trong thời điểm đầu năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng tăng theo quy luật trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2022 công tác điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt; chủ động, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là dịp lễ, Tết Nguyên đán 2022.

Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khương Ninh