Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Cụ thể hóa trường hợp đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 13:10 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc sáng 23.10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận tại Tổ 4
Ảnh: Quang Khánh

Đa số ĐBQH tán thành với việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn. ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện ảnh trong nền kinh tế thị trường, bảo vệ được giá trị văn hóa đích thực của lĩnh vực nghệ thuật này. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến khác trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần mở rộng nội dung điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nhất quán với quy định tại Điều 1 dự thảo Luật. Với tư cách là một ngành nghệ thuật sáng tạo thì luật cần phải điều chỉnh rất nhiều nội dung khác nữa, không phải chỉ là sản xuất phim, phổ biến phim mà còn cả nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, sự ra đời và tồn tại của các chủ thể tham gia hoạt động điện ảnh… Đây là những vấn đề chưa được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Đối với quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1: sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; phương án 2 là giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nên lựa chọn phương án 2. Theo đó, hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện bằng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Trong đó, nên bổ sung hình thức đấu thầu vì hình thức này tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Ông Việt cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Tại Mục 1, Chương I Luật Đấu thầu có quy định rất đầy đủ về các hình thức lựa chọn nhà thầu như đơn vị đầu tư xây dựng, kể cả đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt… Luật Đấu thầu cũng cho phép, trong trường hợp cần thiết Chính phủ có thể nghiên cứu để quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thẩm quyền để phù hợp với quy định về sản xuất phim có sử dụng ngân sách. Nghị định 32 hiện nay cũng đã quy định đầy đủ việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Trung Thành