Chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh

Cụ thể, minh bạch và khả thi

- Thứ Ba, 31/08/2021, 04:56 - Chia sẻ
Quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện ảnh. Vì thế, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần được lượng hóa cụ thể hơn để bảo đảm minh bạch, khả thi.

Chính sách phân tán, chung chung

Theo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh được quy định tập trung ở Điều 5 và Điều 6. Trong đó, Điều 5 kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Điện ảnh hiện hành và Điều 6 bổ sung nhiều nội dung về đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động điện ảnh. Ngoài ra, các chính sách còn được quy định rải rác tại Điều 7, Điều 8, Điều 15, Điều 24, Điều 44. Dự thảo Luật tập trung vào 4 chính sách mới, gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là bộ phim hợp tác Nhà nước - tư nhân thành công

Tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách quy định trong dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung trùng lặp. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, việc quy định 4 điều liên quan đến chính sách trong tổng số 52 điều của dự thảo Luật là tỷ lệ khá lớn, trong khi đó các nội dung không thực sự cụ thể, có nội dung giao nhiệm vụ cho các lĩnh vực pháp luật khác như thuế, tín dụng, phí (Khoản 1, Điều 6), bảo hiểm (Điểm d, Khoản 4, Điều 6); có nội dung không rõ chủ thể thực hiện (Điều 7).

Hơn thế, việc cụ thể hóa các chính sách mới cũng chưa rõ nét và cụ thể. Chẳng hạn, với chính sách khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc quy định Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thực hiện quảng bá, xúc tiến, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, hiện đại, tạo ra các tác phẩm điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao (Khoản 3, Điều 5), mà chưa có quy định cụ thể giải pháp thực hiện.

Một số quy định liên quan khác còn chung chung, như trao đổi, bán, cho thuê phim; quyền và nghĩa vụ cơ sở điện ảnh phát hành phim; đào tạo nguồn nhân lực; phổ biến phim tại trụ sở của cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần nhìn nhận điện ảnh ở 2 góc độ: Là một loại hình nghệ thuật, phải bảo đảm các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân.

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực

Quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, kể cả sản xuất, phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phải trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, luật hóa chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh trên cơ sở các quy định xã hội hóa đã thực hiện ổn định; chính sách hợp tác công - tư; cơ chế đẩy mạnh huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia sản xuất, phát hành, phổ biến phim, đào tạo nguồn nhân lực...

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu kế thừa chính sách ưu đãi về đất đai tại Luật hiện hành nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật (trường quay, rạp chiếu phim…) phục vụ hoạt động điện ảnh. Cân nhắc việc giao Chính phủ quy định cả Điều 6 vì nội dung ưu đãi về tín dụng, thuế và phí (khoản 1) thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo góp ý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần cân nhắc cái gì cần thiết và khả thi thì đưa vào luật. Như thế mới tạo được niềm tin trong giới, chứ không đưa vào cho… đẹp. Bởi thực tế, có nhiều chính sách được quy định nhưng không thể thực hiện được.

Tiếp thu ý kiến tại phiên thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội đúng tiến độ, đáp ứng 2 yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra, đó là không chỉ thuần túy phục vụ quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thứ bảy của nhân dân mà còn hỗ trợ bằng các công cụ pháp luật phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa.

Nguyên Anh