Cũ và mới

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:04 - Chia sẻ
Trong buổi làm việc chính thức đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, có 2 yêu cầu quan trọng được đặt ra cho chính sách điều hành tiền tệ và phát triển thị trường tài chính.

Thứ nhất là bảo đảm chính sách tiền tệ giúp ổn định vĩ mô, đặt nền tảng cho phát triển kinh tế.

Thứ hai là xử lý những vấn đề pháp lý mới mà công nghệ số đặt ra cho việc phát triển thị trường tài chính trong bối cảnh thời đại số.

Một điểm đáng lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ của nhiệm kỳ mới, đó là tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%. Tỷ lệ này đưa Việt Nam thuộc vào trong nhóm nước có tỷ lệ dư nợ/GDP cao nhất theo đánh giá của quốc tế.

Theo lý thuyết cũng như thực tế, hầu hết các nền kinh tế thu nhập cao trên thế giới cũng là nơi có tỷ lệ tín dụng trên GDP cao nhất. Tuy nhiên đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì điều này lại hàm chứa gia tăng bất ổn. Một nền kinh tế vay nợ quá cao sẽ tích lũy rủi ro tiềm ẩn, tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng khi bất kỳ sự gia tăng nào trong xu hướng lãi suất cũng sẽ gây áp lực rất lớn lên nền kinh tế, làm tăng nghĩa vụ trả lãi và ảnh hưởng lên sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng có thể chảy vào các kênh đầu tư như bất động sản, cho vay tiêu dùng, tạo ra bong bóng tài sản khi mà nhu cầu vốn của khu vực sản xuất là có hạn vì còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng, kế hoạch mở rộng đầu tư của doanh nghiệp cũng như các kênh huy động vốn khác đang ngày thuận tiện hơn.

Bởi vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo để phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Kinh nghiệm 10 năm điều hành chính sách tiền tệ, kể từ giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 cũng cho thấy, tiếp tục đặt mục tiêu ổn định vĩ mô, chống lạm phát là hết sức cần thiết. 

Ở góc độ thứ hai, một loạt vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến phát triển thị trường tài chính trong bối cảnh công nghệ số đang tạo ra các thay đổi mang tính bước ngoặt cho lĩnh vực tài chính - tiền tệ, gồm vấn đề đồng tiền kỹ thuật số; mô hình tài chính mới như cho vay ngang hàng, và dịch vụ thanh toán kỹ thuật số.

Trên thực tế, những yếu tố, xu hướng và mô hình kinh doanh, lẫn các dịch vụ tài chính này đều đã xuất hiện và dần phổ biến ở Việt Nam. Kể cả chưa được cấp phép chính thức hoặc cấp phép thí điểm hoạt động thì các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai những dịch vụ này trên thực tế, dưới các hình thức chính thức lẫn phi chính thức khác nhau. Cho phép hay không cho phép những loại hình dịch vụ tài chính mới nào? Nếu cho phép thì khung pháp lý cụ thể ra sao? Đây là những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước, với tư cách cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ phải gấp rút xử lý.

Mặc dù vậy, phải nhìn nhận đây không phải là "việc riêng" của Ngân hàng Nhà nước. Có những vấn đề, đơn cử như đồng tiền điện tử, sẽ phải xử lý ở cấp cao hơn là Quốc hội. Các vấn đề dịch vụ thanh toán điện tử sẽ cần có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp. Và hơn thế nữa, công nghệ số, với đặc tính "xuyên biên giới", cần có sự phối hợp quốc tế trong thực thi các quy định pháp luật, lẫn xử lý các vấn đề mang tính liên quốc gia. Điều đó đòi hỏi năng lực điều phối chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ phải "nâng cấp" để đáp ứng những đòi hỏi mới.

Yêu cầu thứ nhất thường được coi là "cũ"  ở góc độ chức năng truyền thống, cốt lõi của Ngân hàng Nhà nước, nhưng là chức năng đặc biệt quan trọng và phải xử lý những thách thức đến từ bối cảnh mới. Yêu cầu thứ hai là những vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ và đòi hỏi những cách thức tiếp cận mới và sự hỗ trợ từ nhiều ngành. Nhưng cả vấn đề cũ và mới đều là những thách thức lớn với cơ quan đóng vai trò ngân hàng trung ương, vừa bảo đảm ổn định nhưng đồng thời cũng phải tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế trong bối cảnh hậu Covid.

Cẩm Phô