Nhân Ngày Nước thế giới 22/3:

Cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước

- Thứ Bảy, 22/03/2014, 17:16 - Chia sẻ
Theo CỤC TRƯỞNG (CT) CỤC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC HOÀNG VĂN BẨY, một trong những nguyên nhân làm cho nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa trong thời gian gần đây là do rừng đầu nguồn bị suy giảm, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy của các sông, suối, hồ chứa và nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn khá phổ biến...

- Với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước, xin Ông cho biết đánh giá của mình về thực trạng tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay ?
         
CT HOÀNG VĂN BẨY: Nước ta có 108 lưu vực sông, 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta vào khoảng 830 tỷ mét khối. Trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài. Tổng trữ lượng tiềm năng nước ngầm toàn quốc khoảng 63 tỷ mét khối/năm.
 
Bên cạnh đó, nước ta còn có hệ thống hồ chứa trên các lưu vực sông với gần 3 nghìn hồ chứa tương đối lớn, có khả năng tích trữ khoảng 65 tỷ mét khối, gần bằng 8% so với tổng lượng nước hàng năm và nếu chỉ tính riêng các hồ chứa thủy điện thì có 800 hồ chứa đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng với tổng dung tích đạt khoảng 56 tỷ mét khối nước. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng để chủ động điều tiết, đáp ứng các yêu cầu sử dụng nước phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong mùa khô.
 
- Theo Ông, những thách thức chủ yếu hiện nay đối với tài nguyên nước của chúng ta là gì ?
 
CT HOÀNG VĂN BẨY: Hiện gần 2/3 tổng lượng dòng chảy như đã nói ở trên là từ nước ngoài chảy vào và do dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng, lại có tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30% và lượng nước nội sinh bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.600m3/năm, nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước. Trong khi nhu cầu về sử dụng nước thì không thay đổi mà chỉ tăng lên. Do đó, tôi thấy tài nguyên nước của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức:
 
Thứ nhất là tình trạng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô. Cụ thể đã xảy ra ở nhiều khu vực, nhất là các lưu vực thuộc miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các vùng ven biển. Ngay cả ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm tới gần 60% lượng nước của cả nước cũng gặp phải vấn đề thiếu nước ngọt.
 
Thứ hai là vấn đề thiên tai: bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng, các tác động của biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước và tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.
 
Thứ ba, sự gia tăng dân số, yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng trưởng kinh tế đang kéo theo nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí vẫn còn phổ biến.
 
Thứ tư, các quốc gia thượng nguồn đang đẩy mạnh các hoạt động khai thác, sử dụng nước  nhưng chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ công bằng và sử dụng hợp lý nguồn nước trên các dòng sông liên quốc gia.
 
- Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng làm suy kiệt nguồn nước, thưa Ông ?
 
CT HOÀNG VĂN BẨY:
Theo tôi, về mặt khách quan, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và trong những năm qua các nước ở thượng lưu đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Nguồn nước phân bố không cân đối giữa các vùng, các lưu vực sông: toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. Thứ đến, tài nguyên nước phân bố không đều theo thời gian trong năm và không đều giữa các năm: lượng nước trong 3 - 5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ có 20 - 30% lượng nước cả năm; phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70 - 75% lượng nước trung bình nêu trên. Tác động của biến đổi khí hậu cũng đang là một trong những nguyên nhân làm trầm thêm tình trạng lũ lụt, hạn hán thiếu nước ở nhiều nơi trong thời gian qua.

Về mặt chủ quan thì một trong những nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa là trong thời gian gần đây rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy của các sông, suối, hồ chứa; nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lẵng phí, kém hiệu quả còn khá phổ biến; chưa bảo đảm việc sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, hiệu quả tài nguyên nước, nhất là huy động nguồn nước của hệ thống các hồ chứa tham gia điều tiết dòng chảy cho hạ du... Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là do khai thác thiếu hợp lý dẫn đến khai thác quá mức ở một số khu vực, lưu vực sông.


Nguồn: ITN

- Luật Tài nguyên nước đã được QH Khóa XIII thông qua năm 2012 tạo hành lang pháp lý quan trọng cho những quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Từ cơ sở pháp lý trên, để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên nước, theo Ông trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp nào ?
 
CT HOÀNG VĂN BẨY: Phải thấy rằng, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước. Trong đó, Luật Tài nguyên nước 2012 đã đặt ra các yêu cầu, biện pháp cụ thể để bảo đảm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng tổng hợp, đa mục tiêu, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
 
Tuy nhiên, để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên nước, thời gian tới cần phải đẩy mạnh xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; triển khai thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát trong các hệ thống cấp nước, đồng thời xây dựng cơ chế phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, cả ở trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời về diễn biến số lượng, chất lượng nước; nghiên cứu để sớm triển khai cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh.
 
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tích cực hoàn chỉnh hồ sơ để gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy ngay trong năm 2014 nhằm khẳng định quyết tâm của ta trong việc tôn trọng nguyên tắc công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước liên quốc gia theo các chuẩn mực chung của quốc tế.
 
- Xin cảm ơn Ông !

TRẦN HIẾU thực hiện