Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Hòa Bình

Củng cố khối đại đoàn kết, phát huy nội lực toàn dân

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 05:43 - Chia sẻ
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác triển khai được gắn với các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển.

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ, như: Kế hoạch số 22-KH/TU (ngày 11.3.2016) về thực hiện Kết luận số 120-KL/TW; Chỉ thị số 31-CT/TU, (ngày 25.8.2017) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 525-QĐ/TU (ngày 13.6.2017) ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2017 - 2022; Quyết định số 402-QĐ/TU (ngày 13. 2.2017) ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình trong tình hình mới.

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình Đinh Thị Thủy

Công khai để dân biết, dân bàn

Thành phố Hòa Bình là địa phương được đánh giá cao trong thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Tuy có địa bàn rộng sau thực hiện Nghị quyết 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, dân số đông nhưng các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong phát huy dân chủ ở cơ sở. Phường Thống Nhất được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Thống Nhất và một phần diện tích, dân số phường Chăm Mát. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nguyễn Thị Sang cho biết: Việc thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương cán bộ chủ chốt, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhất là trong các công việc khó và phức tạp như: Sắp xếp đơn vị hành chính; giải phóng mặt bằng…“Các khu dân cư trên địa bàn phường đều thành lập ban quản lý, xây dựng quy chế quản lý cơ sở vật chất nhà văn hóa, công trình phúc lợi. Người dân đều đồng thuận hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp”, bà Sang nhấn mạnh.

Với xã Yên Mông, kế thừa những kết quả đã đạt được và hướng tới mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban chỉ đạo QCDC xã đã tiếp tục phát huy vai trò các ban điều hành ở thôn, xóm, tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu. Người dân được bàn bạc, thống nhất và trực tiếp tham gia giám sát những phần việc cụ thể nên các công trình đều được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Sỹ Linh cho biết: Tất cả các dự án, công trình đầu tư; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã đều được thông báo công khai để người dân được biết và tham gia ý kiến. Vì vậy, dù không được hưởng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng song người dân vẫn tích cực tham gia hiến đất làm đường NTM và các dự án trên địa bàn.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiếu, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của thành phố, các thành viên đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp cụ thể hóa việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình theo Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Đối với khối xã, phường, thị trấn, 100% khu dân cư đều có tổ hòa giải để giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. UBND thành phố cũng tổ chức tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”.

Cuộc họp dân được tổ chức định kỳ của Tổ dân phố số 6, phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Ảnh: Trần Tâm

Thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Không chỉ TP. Hòa Bình, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở. Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đinh Thị Thủy chia sẻ: QCDC ở cơ sở đã giúp hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Từ đó, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực trong Nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế, vì vậy, để nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hành dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII”, bà Thủy cho biết.

Cùng với đó, thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Đặc biệt, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự Đảng phải tiếp tục đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các cơ quan, đơn vị. “Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện kết luận; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định”, bà Thủy nhấn mạnh.

Trần Tâm