Củng cố nhân lực cho “trụ đỡ nền kinh tế”

- Thứ Năm, 30/12/2021, 15:56 - Chia sẻ
Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ vững chắc. Đặc biệt, qua 4 lần đại dịch Covid-19 bùng phát, có thể thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân vẫn linh hoạt trên đồng ruộng, tạo ra giá trị kinh tế, làm nên bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác. Tuy nhiên, để trụ đỡ này bền vững, cần thiết phải củng cố cho được một lực lượng lao động có kỹ năng, sẵn sàng thích ứng với sự biến động của thị trường...

Chỗ dựa của lao động khi khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, quy mô của các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp có thể không bằng các DN công nghiệp nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế, xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.

Hà Nội luôn quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nguồn Internet

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn nhưng cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần. Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy, nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. “Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng hiện tại, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn” - ông Lộc khẳng định.

Nước ta đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có đặt ra vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Khi nói đến kinh tế nông nghiệp là phải gắn với nông nghiệp, nông dân cũng phải có tinh thần doanh nhân, và chúng ta phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp, đó là điều quan trọng. “Bởi tới đây, hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ, chúng ta biết tác động của kinh tế số bây giờ, một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp; phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ. Nhỏ nhưng không lẻ, phải kết nối lại theo chuỗi. Đây cũng là một cách, còn tập trung, tích tụ lại trong một tổ hợp cũng là một cách” - ông Lộc phân tích.

Cần đầu tư cho lao động nông thôn

Tuy nhiên, nhận định về giải pháp căn cơ cho nông nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn, nền nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao, thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, chưa vào được phân khúc cao thị trường. Nguyên nhân, không đâu xa mà chính ở con người. Chúng ta cần phải có một lực lượng lao động đủ trình độ, đủ kỹ năng để đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển xứng tầm.

Chia sẻ về vấn đề nhân lực cho ngành nông nghiệp, bà Thanh Hương, Đại học Thương mại cho rằng, việc quan trọng là phải tăng cường đào tạo nghề cho lao động nói chung, đặc biệt là lao động trẻ, lao động phụ nữ tại các địa phương dưới các hình thức như: mở các lớp đào tạo nghề tại chỗ cho lao động địa phương, chính quyền cần chủ động liên hệ để gửi lao động trẻ của địa phương tham gia các lớp, các khóa đào tạo ngắn hạn tại những cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp, cung cấp nguồn lao động có tay nghề chuyên môn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hoặc cung cấp lao động cho xuất khẩu lao động, tăng thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, cần tích cực khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề truyền thống. Muốn vậy, cần khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện cho các bậc nghệ nhân và các lao động lâu năm, có kinh nghiệm, giỏi nghề tình nguyện, nhiệt tình truyền nghề cho các thế hệ lao động trẻ.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển nhanh các vùng chuyên canh quy mô lớn trên cơ sở khai thác những lợi thế vốn có. Tăng cường tạo những ngành nghề mới cho các vùng nông thôn như trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, trồng rau sạch tại các vùng ven các đô thị lớn; nuôi các loại vật có giá trị kinh tế cao như: ba ba, ếch, tôm, cá sấu, bò sữa, gà siêu thịt, vịt siêu trứng.....với mô hình kinh doanh quy mô lớn, hiệu quả cao, nhằm tăng cường thu hút việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở tăng cường áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp (như mô hình kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng...). Từ đó nâng cao nhanh chóng hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ngừng mở rộng quy mô, tăng cường thu hút lao động địa phương đang thiếu việc làm. Khuyến khích các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động người địa phương vào làm việc – đặc biệt là các gia đình bị mất đất do quá trình đô thị hóa và do việc hình thành những khu - cụm khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn.

Song, để giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, kịp thời, tự giác và sự phối hợp hoạt động thường xuyên giữa các tổ chức Đảng, các đoàn thể với các cấp chính quyền địa phương, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp” – bà Thanh Hương nói.

Bình Nhi