Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Củng cố "trận địa" nông nghiệp, giải quyết sinh kế cho người dân

- Thứ Năm, 22/07/2021, 17:41 - Chia sẻ
Thảo luận tại phiên họp tổ chiều nay của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ĐBQH TP Hải Phòng) đề nghị các địa phương cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Trung ương về thực hiện mục tiêu kép, trong đó khẳng định: kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng có sự linh hoạt tùy theo từng thời điểm, từng địa bàn. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong 6 tháng cuối năm nay và kế hoạch 5 năm tới phải nhấn mạnh thêm về nông nghiệp, đây vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế lúc khó khăn. Củng cố được “trận địa” này chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội, tạo việc làm, giải quyết sinh kế cho người dân, nhất là bộ phận công nhân đang phải tạm thời giãn, hoãn sản xuất, đi về các địa phương…

Ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu

Tại Tổ 16 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Tĩnh, các đại biểu đều đánh giá cao các Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay và nhiệm vụ những tháng cuối năm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chất lượng các báo cáo đã cho thấy tính chất hoạt động liên tục của các cơ quan trong bộ máy chính trị của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cho đến thời điểm này, những đánh giá tại Đại hội XIII của Đảng về bối cảnh trong nước, quốc tế 5 năm tới đến nay vẫn chính xác. Tuy nhiên, có hai điểm phải nhận thức sâu sắc hơn: một là dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp hơn do virus biến chủng liên tục; hai là, chúng ta đặt mục tiêu cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ thực hiện được chiến lược tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng nhưng báo cáo của Chính phủ hiện nay đã điều chỉnh lại, phải đến hết quý II.2022, tích cực lắm thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. “Như vậy, để thấy rằng, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội XIII đề ra đòi hỏi phải nỗ lực, phấn đấu. Giai đoạn này, chúng ta phải vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch rồi đến giai đoạn phục hồi như sáng nay Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh trước Quốc hội là cố gắng bứt phá ở những năm cuối. Từ đó thấy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị rất lớn, phải chung sức đồng lòng vào thì mới hoàn thành thắng lợi được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Phải nhấn mạnh thêm vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội chiều 22.7

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Phân tích tác động từ hiệu ứng suy giảm kinh tế theo chu kỳ và chính sách “siêu nới lỏng” của Mỹ và các nước châu Âu, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bất ổn về tài chính, nợ công, lạm phát… trong dài hạn tiềm ẩn rủi ro khá lớn, đi kèm với đó là bong bóng tài sản. Áp lực về ổn định kinh tế vĩ mô rất lớn. Do đó, trong 6 tháng cuối năm và các năm tới, việc ứng phó với các rủi ro gây bất ổn vĩ mô cũng cần tính thêm. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Trung ương đã kết luận trong 5 năm tới phải coi trọng yếu tố phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, một bên là sản xuất, sinh kế của người dân, an sinh xã hội và phải coi ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu. Kết luận Hội nghị lần thứ 3 vừa qua của Trung ương đã nhấn rất mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững, hết sức coi trọng năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự cường.

Theo ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng), thời gian tới, cần vận dụng linh hoạt mục tiêu kép, khi nào ưu tiên chống dịch, khi nào ưu tiên phát triển kinh tế. Dịch còn “trường diễn” nên phải có những giải pháp chuẩn bị cho lâu dài để chung sống với Covid, hướng này không đơn giản nhưng chúng ta phải vừa tồn tại vừa phát triển. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quan điểm của Trung ương tại Hội nghị lần thứ ba vừa qua đã khẳng định: chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng có sự linh hoạt tùy theo từng thời điểm, từng địa bàn, ưu tiên đầu tiên cho việc chống dịch, quan điểm nhất quán là ưu tiên các nguồn lực cho việc chống dịch nhưng tùy tình hình cụ thể, tùy thời điểm để điều hành linh hoạt, hiệu quả.

Củng cố trận địa nông nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm nay, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế vẫn là nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo, bán lẻ, dịch vụ, kinh tế số… Ngành nông nghiệp đã tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có dịch Covid - 19, đóng góp đến 8,17% vào mức tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2019 – nông nghiệp đóng góp cao nhất trong cả giai đoạn thì cũng chỉ đóng góp được 6% vào tăng trưởng.

Thực tế này cho thấy, phải chăng vẫn phải coi nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, giải quyết sinh kế, việc làm? Đặt câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, lần này, phải tập trung có kế sách cho lĩnh vực nông nghiệp, sẵn sàng cho việc giải quyết sinh kế, việc làm cho người dân chịu tác động do đại dịch Covid – 19. Hiện nay, đất đai chưa sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp còn khá lớn. Phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư vào, đưa lao động về vừa tăng gia sản xuất, vừa tạo ra dự trữ về hàng hóa thiết yếu, vừa giải quyết được sinh kế, việc làm cho người dân, làm bệ đỡ cho nền kinh tế, bù đắp cho một số ngành đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid – 19.

“Phải nhấn mạnh thêm về nông nghiệp. Củng cố được trận địa này chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến bài toán an sinh xã hội, tạo việc làm, giải quyết sinh kế cho người dân, nhất là bộ phận công nhân đang phải tạm thời giãn, hoãn sản xuất, đi về các địa phương, lao động ở nước ngoài về…”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Tĩnh thảo luận ở tổ

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Về công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, qua tìm hiểu các doanh nghiệp da dày, dệt may thì đơn hàng hiện nay rất tốt, đã có đơn hàng sang đến cả năm 2022. Tuy nhiên, đặc điểm của các ngành này là đông lao động, trong bối cảnh dịch bệnh phải giãn cách nên cũng rất khó khăn. Doanh nghiệp dệt may, da giày đều tha thiết mong có vaccine phòng Covid – 19 để tiêm phòng cho công nhân. Hiện nay, việc tiêm vaccine đã tập trung ưu tiên cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng khu vực các doanh nghiệp sử dụng nhiều doanh nghiệp, có đơn hàng tốt như da giày, may mặc cũng cần được ưu tiên vì thời điểm này, việc duy trì việc làm, bảo đảm sinh kế đời sống cho người lao động là hết sức quan trọng. Nêu quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Chiến lược vaccine hiện đang được tập trung theo rất nhiều mũi, nhiều nguồn và hy vọng sau tháng 9 năm nay thì nguồn cung sẽ đỡ khan hiếm hơn.

Bên cạnh đó, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành văn hóa, thông tin và truyền thông tăng cường các hoạt động truyền thông văn hóa xã hội thông qua hình thức trực tuyến để chăm lo đời sống tinh thần của người dân.

Các đại biểu tại Tổ 16 cũng cơ bản nhất trí với các nội dung của Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm được Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị cần có kịch bản, kế hoạch phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế do tác động của đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp hơn so với thời điểm xây dựng kế hoạch. Lưu ý việc không nhất thiết phải đặt mục tiêu nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần có kịch bản trong các kế hoạch trung hạn để linh hoạt và chủ động trong điều hành, người dân cũng sẽ có sự chia sẻ nếu chỉ tiêu nào đó không đạt được.  

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (ĐBQH TP Hải Phòng), trong thời gian tới phải tập trung cao độ vào việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các nút thắt về thể chế, sửa đổi các Luật; phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn mà thông qua họ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt khác tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhấn mạnh lợi thế với 100 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường rất hấp dẫn nhưng trên thực tế hàng hóa trong nước, thị trường trong nước chưa được chú ý, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, có tâm lý làm cái gì cũng chủ yếu nghĩ đến xuất khẩu. “Nếu chúng ta bỏ quên thị trường trong nước là sai lầm, đến một ngày chính người Việt sẽ quay lưng với sản phẩm trong nước, trong khi tốn bao nhiêu chi phí mới xuất khẩu được ra nước ngoài thì trong nước lại không chú trọng”, ông nói.

Phạm Thúy