Cùng nhau bảo vệ tê giác

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 06:54 - Chia sẻ
Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động quảng cáo, rao bán trái phép sừng tê giác trên Internet lại đang có dấu hiệu tăng mạnh thời gian vừa qua... đòi hỏi cơ quan chức năng cần tập trung các nguồn lực vào việc điều tra, làm rõ các đường dây buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép và những đối tượng đứng sau hoạt động của các đường dây này.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), hoạt động nhập lậu các lô hàng ngà voi, sừng tê giác về Việt Nam có thể bị chậm lại, nhưng hoạt động quảng cáo, rao bán sừng tê giác trên Internet lại đang có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, ENV đã ghi nhận 74 vụ việc vi phạm liên quan đến sừng tê giác, trong đó có 62 vụ việc về quảng cáo, rao bán sừng tê giác trên Internet. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2014 là 38, năm 2015 là 8 vụ, năm 2016 là 15 vụ, năm 2017 là 48 vụ, 2018 là 58 vụ, năm 2019 là 42 vụ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tịch thu gần 140kg sừng tê giác trong 5 vụ án. 6 tháng đầu năm 2021, số vụ mà ENV ghi nhận là 34 vụ việc.

Mới đây, từ nguồn tin của ENV về một đối tượng quảng cáo, buôn bán sừng tê giác và nhiều sản phẩm động vật hoang dã trên mạng xã hội, ngày 30.1.2021, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng với tang vật là khoảng 300 gram sừng tê giác, một quả tim và 1 gan hổ cùng một số tang vật khác. Trong đó, sừng tê giác được quảng cáo với giá bán là 50 triệu đồng/100 gram.

Từ những nỗ lực của cơ quan chức năng, nhiều đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác và ngà voi lớn tại Việt Nam cũng đã bị bắt giữ và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, 14 vụ án đã được đưa ra xét xử, trong đó, bản án tù giam nghiêm khắc cho một hoặc nhiều đối tượng vi phạm cũng được áp dụng trong 11 vụ án. Bên cạnh đó, mức án phạt tù trung bình dành cho tội phạm về sừng tê giác từ năm 2018 đến tháng 7.2021 là 6,15 năm - một mức án khá nghiêm khắc, cao hơn 2 năm so với mức án trung bình chung dành cho các tội phạm về động vật hoang dã và đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép...

Dẫu vậy, theo nhận định của ENV: những mối đe dọa tới quần thể tê giác thế giới vẫn còn tiếp diễn. Việt Nam không chỉ bị coi là một thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới mà cũng đồng thời được biết đến là một quốc gia trung chuyển sừng tê giác từ châu Phi sang Trung Quốc. Một số đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi do người Việt cầm đầu vẫn đang hoạt động mạnh ở các quốc gia châu Phi và sử dụng ngày càng nhiều những phương thức, thủ đoạn tinh vi để có thể nhập lậu sừng tê giác vào Việt Nam.

Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường đấu tranh với các vi phạm về động vật hoang dã nói chung và sừng tê giác nói riêng, đặc biệt là cần tập trung các nguồn lực vào việc điều tra, làm rõ các đường dây buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép và những đối tượng đứng sau hoạt động của các đường dây này. Đồng thời, áp dụng các bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng phạm tội về tê giác để bảo đảm ý nghĩa răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các hậu quả pháp lý nghiêm trọng có thể gặp phải nếu thực hiện hoạt động mua bán, sử dụng, tiêu thụ sừng tê giác trái phép.

Hải Thanh