Cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa trọng trách với Nhân dân mỗi nước

- Thứ Ba, 07/12/2021, 05:51 - Chia sẻ
Trưa qua, ngay sau hội đàm cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane đã đồng chủ trì Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào. Hội thảo đã trở thành một cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Quốc hội hai nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với Quốc hội Lào để Quốc hội hai nước cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa trọng trách với Nhân dân mỗi nước, vì sự phát triển bền vững của mỗi nước.

Cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả

Đã thành thông lệ, trong mỗi chuyến thăm của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đến Lào và Lãnh đạo Quốc hội Lào đến Việt Nam, Quốc hội hai nước đều phối hợp tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động để cùng nhau nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp mỗi nước. Đây là Hội thảo đầu tiên giữa Quốc hội hai nước trong nhiệm kỳ mới, được tổ chức nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane và do hai Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì. Hội thảo tập trung trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội; xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia. Các chủ đề được thảo luận lần này do Quốc hội Lào đề xuất, đồng thời cũng là những nội dung Quốc hội Việt Nam hết sức quan tâm trong quá trình tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp trao đổi cởi mở về các vấn đề được thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào đặt ra. Về chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội Việt Nam thường dành 2 ngày rưỡi để chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp. Việc chọn nội dung, nhóm vấn đề để chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có đề xuất của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, các vấn đề "nóng" trong thực tiễn điều hành... Từng đại biểu Quốc hội cũng có quyền đề xuất nội dung chất vấn.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của cử tri và Nhân dân, Quốc hội tập hợp danh sách các bộ, ngành, lĩnh vực để chất vấn. Sau khi có danh sách này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ họp với đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét, lựa chọn ra một số nhóm vấn đề trọng tâm để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao Tổng Thư ký Quốc hội lấy phiếu xin ý kiến của tất cả các đại biểu Quốc hội để chọn ra 4 nhóm vấn đề tương ứng với 4 bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm chính sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Một yêu cầu nữa trong quá trình lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là bảo đảm tính cân đối giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư pháp. Chủ tịch Quốc hội luôn là người điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Trên tinh thần “hỏi nhanh - đáp gọn”, mỗi đại biểu Quốc hội chỉ có 1 phút để đặt câu hỏi chất vấn và các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có 3 phút để trả lời chất vấn của đại biểu. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, trong đó nêu rõ những việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện với thời hạn phải thực hiện, báo cáo lại Quốc hội.

“Cá nhân tôi từng nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ. Nếu các thành viên Chính phủ đã hứa việc gì cũng sẽ được Quốc hội ghi rõ trong nghị quyết, tránh tình trạng “hứa bừa, hứa suông”. Cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ giám sát và chất vấn lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Tất cả các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đều được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát các thành viên Chính phủ, các "tư lệnh" ngành, đồng thời cũng giám sát cả Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.

Chỉ thông qua nếu bảo đảm chất lượng

Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có các dự án trọng điểm quốc gia là một trong những chủ đề được các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào đặc biệt quan tâm. Trao đổi về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội cũng như cơ chế phân cấp, phân quyền được Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane đặt ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc xem xét, quyết định vấn đề này được Quốc hội Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, trên nguyên tắc “vấn đề nào thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó quyết định”.

Với những vấn đề cấp bách, Quốc hội luôn sẵn sàng làm ngày làm đêm để kịp thời thông qua nhưng phải trên cơ sở có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, có sự đồng thuận cao. Những vấn đề cấp bách nhưng chưa rõ, chưa đủ điều kiện thì Quốc hội không xem xét, quyết định vội vàng. “Quốc hội Việt Nam rất khó tính, có những vấn đề Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét nhưng chưa chắc đã được Quốc hội thông qua”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình thực thi pháp luật nếu có bất cập hoặc chưa phù hợp thì phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhưng trong thời gian chờ sửa luật thì vẫn phải bảo đảm tuân thủ quy định của luật. Nếu muốn áp dụng quy định khác với luật thì phải trình Quốc hội quyết định, có thể theo hình thức ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm. Như tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là nghị quyết đã phát huy hiệu quả rất mạnh mẽ trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (công tác dân nguyện - PV). Đặc biệt, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét sửa quy chế hoạt động theo hướng định kỳ xem xét công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng. Thực tế, việc này đã được thực hiện tại các phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho thấy hiệu quả rõ nét. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng hội thảo đã rất thành công, bảo đảm cả về nội dung và chất lượng. Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane khẳng định, những thông tin, kinh nghiệm được Quốc hội Việt Nam trao đổi, chia sẻ tại hội thảo rất có giá trị với Quốc hội Lào. Đây là những kinh nghiệm quý báu để Quốc hội Lào tham khảo, học tập nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với Quốc hội Lào để Quốc hội hai nước cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa trọng trách với Nhân dân mỗi nước, vì sự phát triển bền vững của mỗi nước.

Nhật An