Ngân hàng Chính sách Xã hội Đà Nẵng

Cùng xây đắp “Thành phố đáng sống”

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 19:36 - Chia sẻ
Không còn hộ đói, giảm sâu hộ nghèo, mọi người dân đều có nhà ở, có việc làm, có cuộc sống văn minh, an bình… là những kết quả đạt được của Đà Nẵng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Góp phần làm nên diện mạo của “Thành phố đáng sống”, có công sức của các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đà Nẵng với các chương trình tín dụng nhân văn…
NHCSXH Đà Nẵng bảo đảm kịp thời nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khôi phục sản xuất, kinh doanh

Không để bị động, bất ngờ

Đây là phương châm hoạt động xuyên suốt của cán bộ, nhân viên trong toàn Chi nhánh. Bởi vậy, suốt 20 năm qua, trong mọi hoàn cảnh, dù thiên tai, dịch bệnh phức tạp đến đâu, dòng chảy tín dụng chính sách vẫn đều đặn chảy tới tận tay hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.

Ngay trong tháng 5.2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, NHCSXH Đà Nẵng đã chủ động đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, quyết tâm tập trung huy động mọi nguồn lực và tổ chức truyền tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn địa bàn. Đến 30.5.2021, tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị đạt 3.101 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020, trong đó riêng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương hơn 1.375 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,35% tổng nguồn vốn.

Sở dĩ nguồn vốn từ ngân sách địa phương tăng nhanh, đạt cao bởi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở Đà Nẵng đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thực hiện tốt việc tập trung mọi nguồn vốn vào một đầu mối quản lý là NHCSXH. Hàng năm, UBND các cấp đã cân đối nguồn vốn ngân sách, bổ sung thêm vốn ủy thác cho NHCSXH tiến hành cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các quỹ hoàn lương của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội nông dân cũng bàn giao hơn 3 tỷ đồng sang NHCSXH quản lý để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù của địa phương. Nhờ vậy, NHCSXH Đà Nẵng có thêm nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và triển khai các chính sách giảm nghèo đặc thù của thành phố như: Ưu tiên trợ giúp toàn bộ lãi suất cho số hộ nghèo đặc biệt khó khăn; tăng lượng vốn vay đối với các gia đình làm nhà ở xã hội và các hộ chuyển đổi nghề và bị giải tỏa đất đai; hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vay thêm vốn khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh và kể cả cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các đối tượng mới ra tù sau cai nghiện để hòa nhập cộng đồng xã hội.

Ghi nhận những đóng góp của NHCSXH Đà Nẵng cũng như như cá nhân Giám đốc Đoàn Ngọc Chung, tại cuộc bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ông Đoàn Ngọc Chung đã được cử tri thành phố tín nhiệm chọn là người đại diện ưu tú của mình.

Chuyển vốn nhanh, trúng, đúng

Huy động và tập trung nguồn lực, đủ để đáp ứng nhu cầu người dân được coi là khâu khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng chính sách. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, nguồn lực sẽ không phát huy được hiệu quả và gia tăng giá trị. Do đó, việc chuyển tải nguồn vốn sao cho nhanh nhất, kịp thời nhất, đúng nhất tới tay hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách là khâu không thể thiếu đối với lĩnh vực tín dụng này.

Xác định rõ phương châm hoạt động, hết thẩy nguồn vốn chính sách của Trung ương cấp, địa phương ủy thác đã được đội ngũ cán bộ NHCSXH Đà Nẵng cùng chính quyền cơ sở, hội đoàn thể nhận ủy thác chuyển tải về khắp 8 quận, huyện trong thành phố và 56 Điểm giao dịch xã, phường để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách. Cùng với đó, mạng lưới 1.800 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn luôn được củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, trở thành “cầu nối” vững chắc của NHCSXH, hỗ trợ cán bộ tín dụng thực hiện tốt phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Nhờ đó, những cảnh nghèo gia đình ông Đinh Văn Nhơn, dân tộc Cà Tu ở thôn Phú Tức, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang; hộ bà Phan Thị Nhuận ở Tổ dân phố 63a phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ … không chỉ lùi xa mà còn phất lên thành những hộ khá giả, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 ập đến, dòng chảy tín dụng chính sách trên toàn thành phố vẫn được khơi thông. Nơi nào khó khăn, cán bộ tín dụng đều kịp thời nắm bắt; có phương án điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để người nghèo và các đối tượng chính sách, khôi phục phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Sự tận tâm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên trong Chi nhánh đã tạo dựng cho NHCSXH Đà Nẵng một hình gần gũi, tin cậy trong lòng người dân, lãnh đạo thành phố. Sự tin tưởng có thể thấy qua số lượng chương trình tín dụng và lượng vốn ngân sách ủy thác của thành phố sang NHCSXH Đà Nẵng ngày càng nhiều như: Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm… đến những chương trình tín dụng đặc thù của thành phố cho vay đối với người tàn tật, người hoàn lương, cho vay các hộ dân tái định cư, cho vay hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đông Dư (CTV)