Trung Quốc nâng độ tuổi nghỉ hưu

Cuộc cải cách bị trì hoãn 5 thập kỷ

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:28 - Chia sẻ
"Quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học đang trở thành nỗi lo mới nhất của chính quyền Trung Quốc với tình trạng dân số già hóa tăng nhanh. Điều này buộc nước này phải tính đến thúc đẩy cuộc cải cách độ tuổi nghỉ hưu, vốn đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo trong suốt 4 thập kỷ qua, song không thắng được sự phản đối của dư luận.

Tín hiệu trong kế hoạch 15 năm

Trung Quốc đang tiềm ẩn cuộc khủng hoảng lương hưu khi quỹ hưu trí nhà nước dự kiến ​​sẽ cạn tiền vào năm 2035 do dân số già nhanh, lực lượng lao động giảm. Do đó, chính phủ trong một số năm đã đánh tiếng rằng người lao động cần “trì hoãn việc nghỉ hưu”, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công chúng. Giờ đây, có vẻ như Bắc Kinh cuối cùng đã sẵn sàng thực hiện ý tưởng này. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế 15 năm được công bố tuần trước, cải cách lương hưu là một trong những mục tiêu “thực dụng” của chính phủ đến năm 2035.

Kế hoạch do các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc soạn thảo, đã nhận được sự nhất trí cao trong trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh cuối tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, bản kế hoạch này không đề cập đến những nội dung cụ thể các bước cải cách - chẳng hạn như độ tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên mức bao nhiêu hay có những điều chỉnh khác nhau đối với giới tính và tính chất nghề nghiệp hay không?

Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, hai khả năng đang được những người có ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng xem xét nghiêm túc. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc đối với nam giới là 60; đối với nữ công nhân là 50 và nữ công chức, viên chức nhà nước là 55. Theo GS. Yang Lixiong, Trường Lao động và Nguồn nhân lực thuộc Đại học Renmin, phương án đầu tiên là đưa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau, sau đó nâng độ tuổi nhận lương hưu cho cả nam và nữ lên một mức mới có thể là 65 vào năm 2035. Phương án khác là ban đầu nâng tuổi cho hai giới tính riêng và cuối cùng thực hiện thêm một bước để tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau.

Ông Yang cho biết, ông ủng hộ phương pháp đầu tiên vì tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là một vấn đề cấp bách. “Hiện tại, một số phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 50, tôi nghĩ là quá sớm”, ông Yang nói. “Trước tiên, chúng ta nên áp dụng cùng một độ tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ. Trong tương lai, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi mạnh mẽ hơn cho phụ nữ”.

Phản ứng của dân chúng

Mặc dù chưa có chi tiết cụ thể, kế hoạch cải cách đã trở thành mục tiêu bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, kể cả người cao tuổi, những người sợ rằng họ sẽ không sống đủ lâu để thu được lợi ích, cũng như người trẻ tuổi, những người vốn lo ngại người cao tuổi làm việc lâu hơn trong lực lượng lao động sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm việc làm của họ.

“Chúng tôi sẽ đến thẳng nhà hỏa táng khi đến tuổi nghỉ hưu, không để lại gánh nặng cho đất nước. Đây có phải là điều mà chính phủ muốn?”, một người dùng Weibo tỏ ra bức xúc. “Nếu quỹ hưu trí nhà nước thực sự cạn kiệt, đất nước nên tăng cường chống tham nhũng”, một người khác bình luận.

"Quả bom" nhân khẩu tiềm ẩn

Mức tuổi nghỉ hưu hiện nay của Trung Quốc được quy định từ những năm 1950. Để so sánh có thể thấy, tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), đa số người dân có thể nghỉ hưu vào năm 65 tuổi. Theo số liệu phân tích của hãng bảo hiểm Allianz SE tại 70 quốc gia, tuổi nghỉ hưu trung bình toàn cầu là 62,7 đối với nam giới và 61,3 đối với nữ giới. Khi duy trì độ tuổi nghỉ hưu thấp bất thường, Trung Quốc hy vọng sẽ thu hút nhiều người trẻ hơn vào lực lượng lao động, tận dụng ý tưởng mới mẻ và sức khỏe dồi dào của họ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, tuổi thọ thấp giúp bảo đảm thuế hưu trí mà Trung Quốc thu được đủ để trang trải các khoản an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trước xu thế dân số già và tỷ lệ sinh thấp, Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác. Những tác động của tình trạng thu hẹp lực lượng lao động do số lượng người cao tuổi tăng nhanh được dự đoán là rất nghiêm trọng và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất mọi thời đại do một thời gian dài nước này áp dụng chính sách 1 con đang trở thành "quả bom hẹn giờ nhân khẩu học".

Năm 2018, gần 250 triệu người trong số 1,4 tỷ người ở Trung Quốc có độ tuổi trên 60. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 300 triệu vào năm 2025 và 400 triệu vào năm 2035. Trong khi đó, tỷ lệ sinh năm 2019, số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc giảm xuống còn 14,6 triệu trẻ - giảm 580.000 trẻ so với năm 2018 và năm nay tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949. Số trẻ sinh ra trên 1.000 người giảm xuống còn 10 trẻ.

Nguồn: China Daily

Dân số già hóa cũng là nguyên nhân gây áp lực rất lớn đến Quỹ Hưu trí quốc gia của Trung Quốc, vốn đang cạn kiệt tiền. Các doanh nghiệp đã giảm hoặc ngừng đóng góp vào quỹ hưu trí trong đại dịch virus Corona. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ, đã ước tính trong một báo cáo năm ngoái rằng quỹ lương hưu chính cho người lao động thành thị sẽ đạt đỉnh 7 nghìn tỷ NDT (1 nghìn tỷ USD) vào năm 2027, trước khi cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035. Số dư trong năm 2019 là 4,3 nghìn tỷ NDT. Điều đó có nghĩa là những người sinh vào những năm 1980 có thể trở thành thế hệ đầu tiên ở Trung Quốc hiện đại không nhận lương hưu khi nghỉ hưu.

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng và nâng độ tuổi nghỉ hưu được coi là giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, để hạn chế phản ứng tiêu cực từ công chúng, ông Wang Feng - nhà nhân khẩu học tại Đại học California (Mỹ) đề xuất cần tiến hành cải cách dần dần, chẳng hạn như áp dụng thay đổi đối với một số ngành nghề hoặc vùng miền trước khi áp dụng đại trà. Bà Wang Xinmei, nhà kinh tế học về lương hưu tại Đại học Chiết Giang thì đưa một số phương án khác. Bà nói: “Chúng ta có thể bắt đầu từ các bước dễ dàng trước, ví dụ cho phép những người có năng lực muốn làm việc nhiều hơn tự nguyện đăng ký làm việc nhiều năm hơn". Một cách khác là tăng dần dần, mỗi năm thêm 1 tuổi.

Đạt Quốc