Bầu cử châu Âu 2014

Cuộc chiến giữa châu Âu cũ và châu Âu mới

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 08:14 - Chia sẻ
10 năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Donald Rumsfeld đã dấy lên tranh cãi trong chính giới châu Âu khi so sánh sự chia rẽ của lục địa già đối với cuộc chiến của Washington phát động tại Iraq là sự khác biệt giữa châu Âu cũ và châu Âu mới. Cách ví von này dường như đang đúng với một châu Âu đang chạy đua giành các ghế trong Ủy ban và Hội đồng châu Âu hiện nay.

Hai ứng cử viên phái châu Âu cũ: cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker và cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt


Hai ứng cử viên phái châu Âu mới: Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Olli Rehn và ủy viên châu Âu Michel Barnier

Các nước Đông và Trung Âu – khi đó đang thương lượng đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) – đã lên tiếng ủng hộ khi Mỹ khơi mào cuộc chiến lật đổ cố Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Trong khi đó, các thành viên sáng lập EU là Pháp và Đức kiên quyết phản đối. Sự chia rẽ này càng trở nên sâu sắc trong năm tiếp theo, khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp để chỉ định một chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu – cơ quan hành pháp của EU có chức năng đề xuất và thực hiện các đạo luật của liên minh. Anh, nước đồng minh sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq, đã lôi kéo các đồng minh để ngăn chặn Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt – người luôn phản đối chiến tranh – được lựa chọn vào ghế nóng này. Thay vào đó, Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông Jose Manuel Barroso, người chủ trương ủng hộ chiến tranh song không cam kết cử quân tham chiến, đã được chọn.

Một thập kỷ sau, cuộc đua tìm người kế nhiệm ông Barroso đã mang màu sắc của cuộc chiến giữa châu Âu cũ và châu Âu mới. Lằn ranh giới giờ đây không còn là cuộc chiến Iraq hay sự trung thành tuyệt đối với đồng minh Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây dương mà là về cách thức quản lý châu Âu. Cụ thể, đó là sự đối đầu giữa những chính khách chủ trương duy trì chế độ liên bang kiểu cũ và những người thực dụng muốn một cách tiếp cận liên chính phủ trong việc điều hành EU. Cựu Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker, vốn ủng hộ truyền thống mang tính liên bang trong hội nhập châu Âu, và ông Verhofstadt, người theo đuổi mô hình một Hợp chủng quốc châu Âu (United States of Europe), là hai ứng cử viên sáng giá của phái liên bang – tạm gọi là phái thứ nhất hay phái châu Âu cũ.

Cả hai đều cho rằng EU đã chệch hướng trong cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, khi các nước lớn giành quyền quyết định tại Ủy ban châu Âu mà không tính tới Nghị viện châu Âu. Các công cụ để kiểm soát khủng hoảng như Cơ chế Bình ổn châu Âu – quỹ cứu trợ giúp các nước thành viên không thể huy động tiền từ các thị trường – đã ra đời và nằm ngoài thẩm quyền của các thể chế châu Âu, cho các nước chủ nợ quyền phủ quyết. Cả hai ông Juncker và Verhofstadt đều muốn trở lại hình thức quản lý truyền thống, trao cho Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu nhiều quyền hạn hơn.

Trong khi đó, đối thủ của họ - phái thứ hai -  châu Âu mới, đến từ những chính khách tự do, gồm ủy viên châu Âu Michel Barnier của Pháp và Olli Rehn của Phần Lan – những người đóng vai trò trọng tâm trong giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại EU và có quan điểm thực dụng hơn về hoạt động của châu Âu. Theo ông Rehn, EU đã lãng phí một thập kỷ vào các thể chế của mình thay vì tập trung nhiều hơn vào cuộc cải cách kinh tế cần thiết trước khi nổ ra khủng hoảng nợ công năm 2010. Theo chính khách này, đây là một trong nhiều lý do khiến một bộ phận người dân châu Âu vỡ mộng và tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho các chính khách dân túy hoặc bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới. Hai chính khách này chủ trương theo đuổi các sáng kiến thực tế giúp thúc đẩy kinh tế, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia, mở rộng thị trường thống nhất của EU và thúc đẩy các chính sách an ninh và nhập cư.

Ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu chỉ là một trong 6 vị trí quan trọng tại các thể chế của châu Âu được thỏa thuận giữa các nước thành viên để bảo đảm sự cân bằng giữa cánh tả và cánh hữu, giữa các nước lớn và các nước nhỏ, giữa phương Bắc và phương Nam, giữa Đông và Tây, và giới tính. Các vị trí còn lại là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tài chính Eurozone, Chủ tịch Nghị viện châu Âu v+à Tổng Thư ký NATO. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu hiện nay, Thủ tướng Đức đương nhiệm Angela Merkel sẽ là tiếng nói trọng lượng trong việc lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Bà đã bác bỏ mối liên hệ lâu nay được coi là tất yếu giữa các ứng cử viên Nghị viện châu Âu và vị trí này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Merkel sẽ nghiêng về những nhân vật bảo thủ như Thủ tướng Ireland Edda Kenny, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen…

Huỳnh Vũ