Quân đội tham gia chống dịch Covid-19

Cuộc chiến giữa thời bình

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 06:39 - Chia sẻ
Trên khắp toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế vô cùng tồi tệ. Trong bối cảnh đó, lực lượng quân đội phải cùng “tham chiến”, hỗ trợ các lực lượng y tế và dân sự khác, “vì nhân dân phục vụ”, chiến đấu chống lại kẻ thù “vô hình”, virus SARS-CoV-2, đã đảo lộn cuộc sống của cả thế giới trong gần 2 năm qua.

Đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng

Ở hầu hết các quốc gia, lực lượng vũ trang và các thành viên nỗ lực hỗ trợ hậu cần và y tế cho chính quyền. Cùng với nhiều lực lượng khác, họ được giao nhiệm vụ vận chuyển vật tư y tế, thiết lập bệnh viện dã chiến, phân phối thiết bị bảo vệ cá nhân, cung cấp thiết bị y tế và nhân lực. Ngoài ra, ở một số quốc gia, quân nhân được yêu cầu thực hiện các biện pháp phong tỏa hoặc nhiều nhiệm vụ khác như khử trùng nơi công cộng, tiến hành xét nghiệm hoặc vận chuyển thi thể nạn nhân mất vì Covid-19…

	Quân đội Ấn Độ chung tay đối phó với dịch Covid-19 Nguồn: ITN
Quân đội Ấn Độ chung tay đối phó với dịch Covid-19
Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng còn tái bố trí hoạt động để sản xuất các trang thiết bị y tế, chẳng hạn máy trợ thở, khẩu trang, giường bệnh, đồ bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế… Tại nhiều nước, quân đội còn triển khai mạng lưới nhập khẩu hoặc phát triển một số sản phẩm phục vụ công tác chống dịch…

Cụ thể, tại nhiều nước châu Âu, quân đội trước tiên có vai trò hậu cần: vận chuyển thiết bị y tế, di chuyển bệnh nhân, hộ tống xe chở khẩu trang, tổ chức hoặc đồng tổ chức các chuyến bay hồi hương những người dân đang mắc kẹt ở những quốc gia bị dịch bệnh… Ngoài ra, lực lượng vũ trang cũng thường tham gia công tác chăm sóc thường dân, chẳng hạn tiếp nhận bệnh nhân trong các bệnh viện quân y, lập bệnh viện dã chiến và hỗ trợ, tăng cường cho các đơn vị y tế dân sự.

Tại Pháp, Italy, Tây Ban Nha, cùng với các lực lượng cảnh sát, quân đội còn tham gia vào công tác bảo đảm duy trì an ninh trật tự, chẳng hạn giám sát người và tài sản, kiểm tra xem người dân có tuân thủ các quy định phong tỏa hay không… Chẳng hạn ở Pháp, do khẩu trang là loại hàng hiếm trong giai đoạn phong tỏa, nhiều cơ sở y tế ở Paris, Marseilles từng xảy ra tình trạng kẻ xấu đột nhập ăn trộm khẩu trang với số lượng lớn, nên quân nhân được triển khai bảo đảm an ninh ở các kho dự trữ khẩu trang. Ngoài ra, Pháp còn kích hoạt “Operation Resilience” (chiến dịch phục hồi) để đối phó với sự bùng phát dịch Covid-19 với sự tham gia của một số lượng lớn binh sĩ.

Lực lượng vũ trang của Italy thì tham gia bảo đảm việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. Vương quốc Anh cũng phát động các hoạt động quân sự lớn nhất từ trước đến nay tại quê hương trong thời bình để hỗ trợ các bệnh viện địa phương bị quá tải điều trị cho bệnh nhân. Quân đội xứ sở sương mù thực hiện tới 70 nhiệm vụ khác nhau, từ xét nghiệm tại các trường học đến triển khai tiêm vaccine hay hỗ trợ các nỗ lực tổ chức lẫn hậu cần. Trong khi đó, Tây Ban Nha là quốc gia mà quân đội được triển khai ồ ạt nhất kể từ tháng 3.2020 để chống dịch Covid-19. Vào thời đó, xứ sở bò tót còn thành lập Đơn vị quân sự khẩn cấp.

Ở những nước này, các nhà công nghiệp quốc phòng còn thực hiện công tác tư vấn miễn phí, nhất là về các vấn đề an ninh mạng, vốn cực kỳ quan trọng trong bối cảnh các nước bị phong tỏa, phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng khắp châu Âu…

Khi đại dịch trở thành một "tình huống chiến đấu"

Nhìn sang châu Á, Ấn Độ - nơi có số người nhiễm và tử vong thuộc hàng cao nhất thế giới, từ máy bay chiến đấu đến tàu chiến, các lực lượng vũ trang nước này được triển khai ngay từ đợt bùng phát dịch thứ hai đầy thảm khốc vào tháng 5. Bên cạnh cung cấp oxy y tế quan trọng và các thiết bị cứu sinh khác, quân đội Ấn Độ đã xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến. Trong quá khứ, quân đội luôn đi đầu trong các hoạt động cứu trợ và cứu nạn trong các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lốc xoáy hay động đất. Vì thế, các chuyên gia quân sự Ấn Độ cho rằng, cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 nên được coi như một tình huống chiến tranh.

Để chiến đấu chống lại virus Corona, quân đội Ấn Độ đã thành lập Đơn vị quản lý Covid-19 để mang lại hiệu quả cao hơn trong việc điều phối các phản ứng theo thời gian thực nhằm giải quyết sự gia tăng theo cấp số nhân của các trường hợp dương tính mới. Đơn vị này, nằm dưới quyền một sĩ quan cấp Tổng Cục trưởng, báo cáo trực tiếp với Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ còn có sáng kiến ​​khác như thành lập Đơn vị quản lý thông tin và tư vấn từ xa về Covid-19, hoạt động 24/7, đưa ra lời khuyên y tế, cập nhật thông tin bệnh nhân cho người nhà, cung cấp thông tin liên quan đến kết quả xét nghiệm hay vaccine…

Ở Trung Quốc, nơi đầu tiên virus Corona xuất hiện và tàn phá nặng nề giai đoạn đầu. Truyền thông đưa tin, đất nước gấu trúc từng huy động hàng nghìn quân nhân và lập kỷ lục thế giới về việc thiết lập các bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch Covid-19, trong 5 ngày vào năm 2020.

Hàn Quốc thì đang dựa vào quân đội để giúp giám sát chương trình tiêm chủng nhằm đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số vào tháng 9 này. Cụ thể, quân đội sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc phân phối và bảo quản an toàn vaccine. Các lực lượng vũ trang lớn của Hàn Quốc, chủ yếu tồn tại như lực lượng ngăn chặn các nguy cơ có thể đến từ Triều Tiên, sẽ hỗ trợ giao hàng đến các khu vực hẻo lánh và được ủy quyền làm việc với cảnh sát để giải tỏa giao thông, cũng như cung cấp an ninh trong suốt quá trình triển khai.

Cuối năm ngoái, các y tá thuộc lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) được triển khai ở một số nơi trong nước như Hokkaido and Osaka nhằm giúp đối phó làn sóng lây nhiễm mạnh ở đây. Cuối tháng 5 vừa qua, một loạt các trung tâm tiêm vaccine ngừa Covid-19 do SDF vận hành được mở để giúp tăng tốc tiêm phòng cho 36 triệu người trên 65 tuổi ở nước này. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã gọi SDF là “pháo đài cuối cùng của Nhật Bản” trong đợt triển khai tiêm chủng của đất nước.

Khi biến thể Delta khiến số ca dương tính với Covid-19 ở Australia tăng lên, trong đó có Sydney, đất nước chuột túi vào tháng 6 vừa qua đã triển hai hàng trăm quân nhân tới thành phố này để giúp thực thi các biện pháp phong tỏa. Các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Australia sát cánh cùng với cảnh sát ở những điểm nóng virus, đi tuần tra không vũ khí nhằm bảo đảm người dân tuân thủ các quy định chống dịch.  

Ở Mỹ, một trong những động thái đầu tiên của Bộ Quốc phòng là thông qua các yêu cầu xin trợ giúp của Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh, cho phép cơ quan này sử dụng các căn cứ quân sự của Mỹ để làm nơi cách ly và nơi ở của những cá nhân trở về Mỹ từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu thuộc quân đội Mỹ tại Bộ Tư lệnh Phát triển và nghiên cứu y tế quân đội cũng tham gia nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19 cùng với một số trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm khác. Ngoài ra, lực lượng Vệ binh quốc gia cũng từng được triển khai để đối phó với dịch Covid-19 ở nhiều bang của đất nước cờ hoa. Nhiệm vụ của họ là giúp khử trùng không gian công cộng, phân phát thực phẩm và cung cấp hỗ trợ vận chuyển và hậu cần…

Có thể nói, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra cho thấy một số hoạt động của quân đội, mà công chúng thường nghĩ là mang tính đặc thù quân sự, trên thực tế lại dễ được chuyển đổi bố trí thành các hoạt động phi quân sự để giúp chống lại một cách hiệu quả kẻ thù nguy hiểm chung của cả thế giới, virus SARS-CoV-2.

Ngọc Minh