Cuộc đua ngành chuyển phát của 2 "ông lớn"

- Thứ Ba, 27/04/2021, 14:20 - Chia sẻ
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng sản lượng bưu phẩm của cả nước. Trong đó, thị phần giao nhận hàng hoá tại 2 thành phố này vẫn chủ yếu tập trung vào các “ông lớn” Viettel Post, Vietnam Post và các đơn vị tầm trung như EMS, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm.

Tăng trưởng thương mại điện tử thúc đẩy dịch vụ hậu cần phát triển

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng vừa công bố báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Năm 2020 thương mại điện tử nước ta tiếp tục tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025.

Điều này cho thấy, thương mại điện tử đang có sự tăng trưởng rất vững chắc và tạo đà cho những năm tiếp theo. Cùng với đó, các ngành hậu cần cho thương mại điện tử như chuyển phát, kho bãi và logistics chắc chắn cũng tăng trưởng mạnh.

Liên quan tới thị trường bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu phẩm gửi từ 30% tới 60%.

Trên thực tế, khi quy mô của thị trường thương mại điện tử tăng 15% đã kéo theo sản lượng bưu phẩm chuyển phát tăng 47%, gấp 3 lần. Quy mô của nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là, thị trường giao hàng trực tuyến sẽ phát triển tương ứng, thậm chí mạnh mẽ hơn.

Theo khảo sát của VECOM năm 2020, tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng sản lượng bưu phẩm của cả nước. Trong đó, thị phần giao nhận hàng hoá tại 2 thành phố này vẫn chủ yếu tập trung vào các “ông lớn” Viettel Post, Vietnam Post và các đơn vị tầm trung như EMS, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm.

“Ông lớn” vẫn giữ vai trò chủ đạo

Tại Hà Nội, Viettel Post chiếm tới 52% thị phần, cao nhất trong các hãng chuyển phát, Vietnam Post chiếm 20% thị phần, 30% còn lại được chia cho Giao hàng nhanh (10%), Giao hàng tiết kiếm (9%), EMS (4%) và các doanh nghiệp chuyển phát nhỏ lẻ khác (5%).

Còn tại TP Hồ Chí Minh, thị phần được chia cho các hãng chuyển phát nhỏ lẻ nhiều hơn, khi số doanh nghiệp này chiếm tới 35% thị phần. Tiếp đó, Viettel Post vẫn là đơn vị có thị phần cao nhất với 28%, Vietnam Post (15%), EMS (10%), Giao hàng tiết kiệm (7%) và Giao hàng nhanh (5%).

Như vậy, tính chung toàn thị trường, Viettel Post vẫn là ông lớn với thị phần áp đảo và giữ vai trò chủ đạo. Trong đó, “vũ khí” mạnh mẽ nhất của Viettel Post với các đối thủ chính là hệ sinh thái khép kín. 

Nhờ việc ra mắt ứng dụng sàn vận chuyển đa phương thức gọi xe MyGo và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò giúp doanh nghiệp này hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch từ một công ty bưu chính chuyển phát thành công ty logistics dựa trên nền tảng công nghệ cao. Trong ngành bưu chính, Viettel Post đã tự mình hoàn thiện một hệ sinh thái đa dạng, từ thương mại điện tử, chuyển phát và gọi xe trực tuyến. 

Vỏ Sò và MyGo hiện đang là 2 đơn vị trợ giúp đắc lực cho “xương sống” chuyển phát của Viettel Post thông qua việc gia tăng số lượng đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng nội thành.

Nhờ đó, Viettel Post đã từng bước chiếm lĩnh thị phần hoạt động giao hàng, chuyển hàng trong ngành thương mại điện tử. Ngoài ra, đơn vị này cũng đẩy mạnh số hóa mảng logistics bằng việc đưa vào hoạt động hệ thống băng chuyền chia chọn tự động hiện đại nhất Việt Nam,....hay ứng dụng số hoá và nỗ lực chuyển đổi số toàn bộ quy trình vận hành.

Năm 2020, bất chấp tình hình dịch bệnh, Viettel Post vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng ấn tượng, gấp 2,2 lần cùng kỳ, đạt mức kỷ lục 17.237 tỷ đồng. Tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng dịch vụ viễn thông với 10.617 tỷ đồng, gấp 6,5 lần năm trước; đồng thời, mảng chuyển phát nhanh (CPN) & logistics cũng tăng 7,2% so với cùng kỳ lên mức 6.617 tỷ đồng.

CTV