Cuộc gặp gỡ khoa học và văn chương

- Thứ Hai, 30/11/2020, 06:20 - Chia sẻ
Với trí tưởng tượng phong phú về khoa học và thế giới, sự pha trộn tài tình của nghệ thuật kể chuyện, các tác phẩm khoa học viễn tưởng (science fiction) đã phát triển và được nhiều độc giả yêu thích những năm gần đây.

Tưởng tượng dựa trên khoa học

Mang vẻ đẹp của ngôn từ, kể những câu chuyện kỳ lạ được xây dựng bằng trí tưởng tượng, nhưng điểm khác biệt của các tác phẩm khoa học viễn tưởng là dựa trên cơ sở kiến thức và giả thuyết khoa học. Với sự pha trộn tinh tế giữa chất phiêu lưu, thần bí, các tình tiết, sự kiện bất thường, như con người du hành vượt không gian, thời gian, sự sống trên hành tinh bên ngoài hệ mặt trời… đây là mảnh đất màu mỡ cho những cây viết thả sức tưởng tượng về thế giới.

Một số tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã ra mắt độc giả Việt

"Tôi không cho rằng số lượng người đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng sẽ tăng, vì đây là thể loại tương đối kén người đọc. Chắc chắn khoa học viễn tưởng sẽ ít người đọc hơn ngôn tình. Nhưng điều đó đâu có gì ghê gớm, quan trọng là mọi người duy trì niềm yêu thích, có thể lập ra nhóm đọc và duy trì những nhóm như vậy".

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Đối với độc giả phổ thông, dòng sách này thường được cho là chứa đựng kiến thức cao siêu và ý tưởng xa lạ, thậm chí khó hiểu. Tuy nhiên, các tác phẩm văn chương này không hoàn toàn tách biệt thế giới hiện tại. Theo nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, không trốn tránh thực tại, dựa trên cơ sở hiểu biết về khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội hiện tại, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đặt ra và đi tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề lớn của con người, mang tính cấp thiết của thời đại như về tôn giáo, tự do, tình yêu, sự sống và cái chết, những ảnh hưởng của khoa học, trí tuệ nhân tạo... Có tác phẩm nhẹ nhàng, đậm tính giải trí, nhưng cũng có tác phẩm mang nội dung sâu sắc, như lời tiên tri, dự báo tương lai.

Không phải đến nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, thể loại văn chương này mới được nhiều cây viết chú ý. Theo nhiều nhà nghiên cứu, dòng văn học khoa học viễn tưởng có lịch sử từ thời Phục hưng. Trong quá trình phát triển, nhiều tác phẩm nổi tiếng của thể loại này được đưa đến độc giả, như tiểu thuyết “Micromega” của nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng Voltaire, “Utopia” của nhà văn, luật sư người Anh sống vào thế kỷ XV Thomas More; tiểu thuyết được xuất bản lần đầu vào thế kỷ XIX “Frankenstein” của nữ nhà văn Anh Mary Shelley... Có những tác phẩm lớn mang tính phổ quát toàn nhân loại, như “Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ” của nhà văn Ba Lan Stanisław Lem viết ở thế kỷ XX, thông qua các dự đoán khoa học táo bạo và nội dung triết lý sâu sắc, đến nay vẫn đầy giá trị với độc giả đương đại.

Ngoài giá trị nghệ thuật, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng, tác phẩm khoa học viễn tưởng còn tạo cảm hứng cho các nhà phát minh, sáng chế. Có thể thấy nhiều điều được nhà văn nghĩ ra cách đây hàng thế kỷ, như tàu ngầm, các chuyến đi lên mặt trăng… trước khi chúng trở thành hiện thực. Đến nay, các nhà văn vẫn tiếp tục tưởng tượng, suy nghĩ về một thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi của môi trường tới cuộc sống trên trái đất…

Còn theo nhà văn Phan Hồn Nhiên: “Không nói là khoa học dẫn dắt nghệ thuật hay nghệ thuật dẫn dắt khoa học, tôi cho rằng chúng diễn ra song song với nhau. Nghệ thuật hay khoa học, suy cho cùng chúng ta cùng sống trong bầu khí quyển này, cùng suy nghĩ, chẳng qua là cách thể hiện của nhà khoa học và nhà văn khác nhau”…

Cánh cửa mở cho nhà văn Việt

Tại Việt Nam, lâu nay, bạn đọc đã biết đến nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng, như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của nhà văn Jules Verne; “Hòn đảo tàu ma”, “Người cá” của nhà văn Aleksander Romanovich Belyaev (Nga); loạt tác phẩm "Ulysses Moore" của tác giả Italy Dockdomenico Baccalario... Chủ yếu tác phẩm thể loại này là sách dịch. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho biết, trước kia, người đọc Việt Nam được tiếp nhận nhiều tác phẩm của Liên Xô (cũ), nhưng gần đây chỉ ít tác phẩm được tái bản, bởi một số đã không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Hiện nay, độc giả biết tới các tác phẩm của Mỹ - nơi mà nhà văn được hưởng lợi từ sự phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt là khoa học vũ trụ, giả thuyết khoa học mới, sức tưởng tượng đi vào trang viết đã được nâng tầm.  

Trong khi đó, các tác phẩm thuộc thể loại này của Việt Nam còn mờ nhạt, tác giả viết khoa học viễn tưởng hiếm hoi. Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vốn không phổ biến ở Việt Nam, trong khi nhu cầu đọc thể loại này vẫn tồn tại. So với hàng chục năm trước, hiện nay, mức độ đón nhận các tác phẩm khoa học viễn tưởng của giới trẻ đã tăng, ổn định, không còn manh mún như 10 năm trước. Nhiều bạn trẻ có thói quen đọc, có môi trường tiếp cận khoa học kỹ thuật trong bối cảnh công nghệ phát triển, có ý niệm về khoa học. Từ nhu cầu của người đọc và người viết, thể loại này đã có những bước tiến.

Bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển khoa học - công nghệ, khoa học viễn tưởng đang mở ra hướng khẳng định mình của các cây viết trẻ. Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận định: Nhiều vấn đề đang được giới trẻ Việt quan tâm như môi trường, một thế giới có các thiết bị thông minh chi phối, hay đại dịch như Covid-19 mà loài người đang trải qua đặt ra những suy tư thế nào là tự do, hạnh phúc... Đó là những điều mà nhà văn có thể khai thác, dù là science fiction hay các thể loại khác.

Nhiều người trẻ đang chập chững bước vào thế giới của thể loại này và thấy rõ đây không phải là thể loại dễ viết, bởi đòi hỏi tác giả phải am hiểu khoa học, nhưng ý tưởng lại phải độc đáo, cách viết không khô khan. Kiến thức khoa học là những “viên gạch tốt”, trong khi ý tưởng, cách kể chuyện là yếu tố quyết định tạo nên tác phẩm có giá trị…

“Hãy mạnh dạn viết đến cùng ý tưởng táo bạo của mình, nhưng hãy chuẩn bị kỹ về kiến thức khoa học, hiểu về thực tế rồi sau đó tưởng tượng gì cũng được. Phải viết làm sao thuyết phục, không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng nghệ thuật” - nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhắn nhủ.

Ngọc Phương