Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Cương quyết, không nể nang, không có "vùng cấm"

- Thứ Năm, 10/12/2020, 06:45 - Chia sẻ
Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NGUYỄN TÚC, trong nhiệm kỳ XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng được làm triệt để, cương quyết từ trên xuống dưới, đúng với tinh thần không có "vùng cấm", không loại trừ bất kỳ ai. Cách làm kiên quyết, không nể nang, né tránh này đã góp phần củng cố niềm tin sâu sắc của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi

- Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, xa hơn là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập năm 2013 đến nay, ông đánh giá thế nào về công tác này của Đảng và Nhà nước ta?

- Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tính từ công cuộc Đổi mới đến nay, chúng ta có 5 kỳ Đại hội có Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhưng phải nói rằng, đến khi có Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thì công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới thực sự phát huy tác dụng.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ảnh: H. Ngọc
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ảnh: H. Ngọc

Nổi bật nhất đó là chúng ta đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và nêu rõ, muốn có đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, thì phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Dư luận và nhân dân ta vui mừng, đánh giá cao và ca ngợi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư vì tinh thần cương quyết, làm đến nơi, đến chốn, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".

Thông qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này một lần nữa cho thấy rõ hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Trước đó, có thể thấy, chúng ta có chủ trương đúng, nhưng còn thiếu biện pháp cụ thể nên kết quả công tác này chưa như mong muốn và kỳ vọng. Kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được làm triệt để, bài bản, quyết liệt, từ trên xuống dưới.

Có lẽ cũng chưa có nhiệm kỳ nào, chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm như nhiệm kỳ này. Chúng ta xử lý cả Ủy viên Bộ Chính trị có vi phạm, với mức án nghiêm minh, nhân văn, tâm phục khẩu phục. Cách làm kiên quyết này đã góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

- Trong những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận của công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ này, cử tri và nhân dân nhắc rất nhiều đến vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, như ngọn cờ đầu trong công tác này..., thưa ông?

- Tôi rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đây là quyết tâm chính trị rất cao, là kinh nghiệm lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thực tế vừa qua cho thấy, chúng ta đã tạo ra phong trào toàn dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. Những ai trước còn lừng chừng, thậm chí bảo thủ, thì nay công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thay thế bởi sự tích cực, trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.

Làm từng bước, có lý, có tình

- Từ kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua có thể thấy, mọi biểu hiện, hành vi của tham nhũng, tiêu cực ngày càng được nhận diện rõ hơn, thưa ông?

- Từ khi có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã từng bước "chỉ mặt, đọc tên", làm rõ từng biểu hiện, hành vi của tham nhũng, thay vì nói chung chung. Chúng ta không loại trừ lĩnh vực, hay ngành nào trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Một kết quả rất nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ này, đó là quan điểm "không có vùng cấm". Một số cán bộ cao cấp trong Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật khi có vi phạm gần đây một lần nữa cho thấy, những bước đi, cách làm của Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đều rất chắc chắn, từng bước một, có lý, có tình. Thậm chí, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân chia sẻ với tôi mong muốn tha thiết rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước tiếp tục đảm đương nhiệm vụ, tiếp tục công cuộc "đốt lò", để diệt trừ tận gốc rễ những "quan tham" chưa lộ mặt.

- Phòng, chống tham nhũng là công việc lâu dài, không phải một, hai nhiệm kỳ, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Ông mong muốn và kỳ vọng gì đối với công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta thời gian tới?

- Phòng, chống tham nhũng không thể có điểm dừng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực cũng có không ít mặt tiêu cực, đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói, đây là công việc không dừng, không nghỉ, phải làm quyết liệt hơn nữa. Đương nhiên, mỗi con người đều có những mặt mạnh và điểm chưa mạnh. Nói nôm na, nếu giáo dục, rèn luyện tốt, thì phần "người" thắng, còn nếu giáo dục, rèn luyện không tốt, thì phần "con" thắng. Nếu phần "con" thắng, chủ nghĩa cá nhân nổi lên, thì rất nguy hiểm - đó sẽ là những con sâu đục khoét, làm mục ruỗng chế độ từ bên trong.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tránh xa cám dỗ vật chất... Do đó, ở thời kỳ, giai đoạn nào, thì đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn là cuộc chiến cam go, khốc liệt, đòi hỏi phải làm thường xuyên, liên tục.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc