Cứu thành công đê biển Cà Mau bằng giải pháp công nghệ mới

- Thứ Bảy, 20/04/2019, 08:38 - Chia sẻ
Bờ biển Tây Cà Mau dài khoảng 108km thì có hơn 57km bị sạt lở, làm mất hàng trăm hecta đất và rừng phòng hộ mỗi năm, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tháng 7.2018, đoạn bờ biển khu vực Kinh Mới - Đá Bạc sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau phải ứng cứu khẩn cấp bằng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco. Dự án hoàn thành cuối năm ngoái và hiện đã có bùn, cát lắng đọng sau kè từ 3 - 5cm, cho thấy hiệu quả của giải pháp này.

Hiệu quả thấy rõ

Triều cường kết hợp sóng dữ đã và đang gây sạt lở nghiêm trọng ven bờ biển Cà Mau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, trong 10 trở lại đây Cà Mau mất khoảng 9.000ha đất và rừng phòng hộ, bằng diện tích một xã ven biển, vì sạt lở.

Tháng 7.2018, trước thực trạng bờ biển Tây xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mới, Cà Mau giao Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) xây kè bảo vệ theo lệnh khẩn cấp tại đoạn 1,2km khu vực ven biển Kinh Mới - Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời. Đây là đoạn bị sạt lở liên tiếp do sóng đánh trực diện vào chân đê, tạo thành nhiều hốc lồi lõm sâu và vách đứng. Vì thế, nguy cơ vỡ đê là rất cao, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây mất an toàn đối với toàn bộ khu vực dân cư thị trấn Rạch Gốc.


Đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai và lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tiến độ thi công kè chắn sóng khẩn cấp do Busadco thực hiện

Busadco ứng trước toàn bộ kinh phí và chỉ trong 5 tháng đã hoàn thành 2,1km kè phá sóng bảo vệ bờ và gây bồi tạo bãi bằng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”. Công nghệ này sử dụng vật liệu bê tông cốt phi kim kết hợp vật liệu mới cốt sợi polypropylene thay thế cốt thép dùng trong bê tông thông thường; có khả năng chống ăn mòn trong môi trường nước mặn và sản xuất trên dây chuyền bê tông thành mỏng đúc sẵn. Nhờ vậy, khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn trong quá trình thi công. Bộ Xây dựng cũng đã cấp giấy chứng nhận công nghệ phù hợp cho giải pháp “cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco.

Đến nay, khả năng giảm sóng, gây bồi tại đoạn kè Busadco thi công ở khu vực Kinh Mới - Đá Bạc bước đầu có kết quả tốt. “Đã có bùn cát lắng đọng sau kè từ 3-5cm” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết. Cũng theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Cà Mau đã tìm kiếm và áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển. Hiện tại, tỉnh ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco. So sánh với các công nghệ khác triển khai cùng thời điểm, kè bằng bê tông cốt phi kim đúc sẵn của Busadco có nhiều ưu điểm vượt trội: Thời gian thi công nhanh do sử dụng các cấu kiện lắp ghép; cấu kiện kè sản xuất công nghiệp tại nhà máy, bảo đảm chất lượng; khả năng chống xâm thực cao nhờ sử dụng cốt sợi phi kim. Đặc biệt, các công nghệ trước đây Cà Mau áp dụng giá thành khoảng 30 tỷ đồng/km, còn giải pháp công nghệ của Busadco suất đầu tư chỉ 18 tỷ đồng/km - điều này đặc biệt có ý nghĩa, trong bối cảnh sạt lở đê biển ở Cà Mau ngày càng phức tạp, nguồn kinh phí lại có hạn.

Trúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ

 Giải pháp “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” thuộc cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 về Khoa học - Công nghệ của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), tiền thân là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên cơ sở hiệu quả thực tế của kè bằng cấu kiện phá sóng bê tông đúc sẵn của Busadco tại đoạn bờ biển khu vực Kinh Mới - Đá Bạc, mới đây, Cà Mau đề xuất áp dụng công nghệ này cho hạng mục 9km kè giảm sóng, gây bồi, tạo bãi thuộc Tiểu dự án số 8 của Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long, do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Hiện nay, ngoài Cà Mau còn có nhiều địa phương khác ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco, như Thái Bình, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều chuyên gia ngành xây dựng cho rằng, giải pháp công nghệ này của Busadco rất trúng với tinh thần chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.

Cụ thể, tháng 1.2019, Thủ tướng ban hành Quyết định 126/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025. Trong đó đặt mục tiêu: Phát triển đa dạng các chủng loại bê tông có tính năng chịu được trong môi trường biển; đẩy mạnh sử dụng bê tông cốt sợi phi kim thay thế cốt thép; phát triển các loại cấu kiện xây dựng theo module lắp ghép, cấu kiện chắn sóng… bảo đảm thi công nhanh, giảm chi phí phục vụ các công trình ven biển và hải đảo. 

Trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ thi công kè phá sóng khẩn cấp cứu đê biển Cà Mau của Busadco cuối tháng 10 năm ngoái, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai đánh giá cao hiệu quả kỹ thuật của giải pháp công nghệ do Busdaco cung cấp. Kết cấu công trình bằng cấu kiện bê tông cốt phi kim có lỗ phá sóng, có vách ngăn đục lỗ nằm giữa kè, giúp tiêu hao năng lượng sóng và giảm lưu tốc dòng chảy khi truyền qua công trình, song vẫn bảo đảm phù sa có thể vận chuyển qua và bồi lắng phía sau công trình. Khi đê biển được bảo vệ và gây bồi, tạo bãi thì cây rừng sẽ tái sinh và đến lượt nó lại góp phần bảo vệ đê biển.

Hà Lan