Đường sắt tụt hậu ngày càng xa

- Thứ Tư, 05/01/2022, 07:55 - Chia sẻ
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, năm 2021 có thể coi là năm đặc biệt khó khăn của ngành đường sắt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đó là vận tải hành khách chỉ bằng 36,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với vận tải hàng hóa, kết quả ấn tượng hơn khi bằng 110,4% so với năm 2020. Dù vậy, so với các loại hình vận tải khác, đường sắt đang tụt hậu - và ngày càng xa...

Thực tế, nếu không có yếu tố khách quan là dịch bệnh, các loại hình vận tải khác luôn có xu hướng tăng nhưng vận chuyển hành khách, hàng hóa của ngành đường sắt lại trong xu thế liên tục sụt giảm. Theo thống kê, năm 1990, ngành đường sắt phục vụ 10,4 triệu lượt khách, chiếm 3% tổng lượng khách của ngành vận tải nhưng đến năm 2019, lượng khách chỉ còn 4,7 triệu lượt, chiếm 0,2% tổng lượng khách toàn ngành. Đến giai đoạn 2001-2010, sản lượng hành khách của ngành tăng trung bình 1,3%/năm nhưng giai đoạn 2011-2019 lại giảm trung bình 3,6%/năm -  trong khi toàn ngành vận tải tăng trung bình 7,3-11,7%/năm.

Hiện các cơ quan chức năng đã xây dựng 3 kịch bản đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đến năm 2030 với số vốn 1,5 triệu tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển 4,4 tỷ tấn hàng hóa và 10,4 tỷ lượt hành khách.

Về sản lượng vận chuyển hàng hóa, bình quân giai đoạn 1991-2000 tăng 10,3%/năm nhưng đến giai đoạn 2001-2010 chỉ tăng 2,3%/năm, trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ năm 2020 gấp gần 29 lần so với năm 1990, đường thủy nội địa gấp 20 lần và đường hàng không gấp 130 lần.

Một trong những lý do khiến ngành đường sắt "hụt hơi" được cho là bởi hạ tầng. Đó là các tuyến đường sắt đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từ 50 năm đến trên 140 năm, trong đó có hơn 2.700km đường chính là khổ ray 1.000mm - hiện hầu hết các nước không dùng. Chính vì lý do này mà vận tốc chỉ đạt khoảng 50-60km/giờ với tàu hàng và 80-90km/giờ đối với tàu khách, thấp hơn nhiều so với các nước khác. Bên cạnh đó, công nghệ của ngành vẫn ở nền tảng thứ hai là diezen, trong khi các nước phát triển đang sử dụng công nghệ thứ ba là điện khí hóa và công nghệ thứ tư là điện từ.

Cũng bởi những tồn tại này mà tại buổi làm việc mới đây với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu: Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được, dứt khoát phải hiện đại hóa. Chắc chắn đây cũng là mong mỏi không chỉ của riêng ngành đường sắt bởi những lý do như có ưu thế vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp... Tuy nhiên, để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thì dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hóa nhưng cán bộ ngành phải đổi mới tư duy, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá, cách làm mới để đưa đường sắt phát triển.

Đó là phải đầu tư đồng bộ hệ thống từ hạ tầng đến đầu máy, toa xe nhằm tăng tốc độ chạy tàu để có thể cạnh tranh với đường bộ. Là dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho đường sắt cao tốc bởi với tốc độ cao, tiện nghi hiện đại, chắc chắn hành khách sẽ lựa chọn đường sắt khi di chuyển trên tuyến đường dài thay vì sử dụng ô tô. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư thấy được tiềm năng, lợi thế của đường sắt.

Đã từng có giai đoạn, đường sắt là loại hình vận tải chủ lực nhưng hiện nay, có vẻ như "bị" quên lãng, dẫn đến không cân xứng với các loại hình vận tải khác. Vậy nên khi đã thấy rõ nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu cũng như lợi thế của ngành thì không có lý do gì lại không có biện pháp khắc phục.

Ninh Khương