Đa dạng hình thức hỗ trợ

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 06:56 - Chia sẻ
Cùng với công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, thời gian qua, Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) và các Sở Công thương đã quan tâm hỗ trợ các sản phẩm này với nhiều hình thức.
Thời gian qua, các hình thức hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu rất đa dạng, phát huy hiệu quả. Nguồn: Báo Công thương
Thời gian qua, các hình thức hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu rất đa dạng, phát huy hiệu quả.
Nguồn: Báo Công thương

Chú trọng hỗ trợ hiệu quả

Thời gian qua, bên cạnh công tác bình chọn sản phẩm, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch cụ thể về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia theo từng giai đoạn. Các hoạt động có thể kể đến như: Hỗ trợ, tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất; kết nối sản phẩm CNNT tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến đầu tư phát triển và xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu…

Đến nay, Cục Công thương địa phương đã hỗ trợ 48 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ 330 cơ sở CNNT xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm… Về phía Bộ Công thương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tại các tỉnh, thành phố với các đơn vị phân phối, bán hàng lớn trên cả nước để hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Hiện, nhiều sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia được các nhà phân phối lớn như Big C, Hapro, Vinmart… đưa vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Ở cấp địa phương, trong năm 2021 đã hỗ trợ trên 500 gian hàng cho gần 300 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư 10 phòng trưng bày cho các cơ sở CNNT có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Đơn cử, tại tỉnh Quảng Bình, đại diện Sở Công thương tỉnh cho biết, địa phương đã quan tâm, hỗ trợ các nguồn vốn khuyến công, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện, tỉnh Quảng Bình  có 10 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm tiêu biểu quốc gia.

Còn tại Đồng Tháp, Sở Công thương đã hỗ trợ cho 20 cơ sở có sản phẩm được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; trong đó có 2 mô hình trình diễn kỹ thuật, 18 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ 12 cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm với khách tham quan; tổ chức nhiều đợt tham gia hội chợ về công nghiệp - thương mại, hội chợ sản phẩm CNNT tiêu biểu… Đặc biệt, Sở đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hỗ trợ 10 cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, cấp khu vực ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh như: Hỗ trợ xây dựng website hoàn chỉnh chuẩn SEO; hỗ trợ 1 năm sử dụng website ITOP miễn phí; tặng phần mềm quản lý bán hàng đa kênh ITOP-X miễn phí mãi mãi; hỗ trợ doanh nghiệp tạo các gian hàng trên sàn thương mại điện tử…

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của các địa phương, các chương trình hỗ trợ bước đầu đã khuyến khích, tạo động lực cho các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động kết nối với các chuỗi cung ứng, siêu thị, chợ đầu mối để tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, sản phẩm CNNT tiêu biểu của địa phương còn một số hạn chế khi vẫn có sản phẩm chưa có vùng nguyên liệu ổn định, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, quy mô hộ gia đình nên nhỏ lẻ, tính liên kết thấp...

Với mục tiêu tăng tính hiệu quả của công tác hỗ trợ đối với các sản phẩm CNNT tiêu biểu, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm, nhiều địa phương kiến nghị Bộ Công thương quan tâm bố trí nguồn vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ các chương trình, đề án phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, nhất là các sản phẩm đạt cấp khu vực, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại từ nguồn kinh phí quốc gia cho các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu. Xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu mang tầm chiến lược. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng tên gọi sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp dễ nhớ, dễ lan tỏa.

Về phía các địa phương, cần định hướng kết hợp, lồng ghép khuyến công với các chương trình, kế hoạch khác để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế. Song song với đó, các địa phương cần sát sao với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm CNNT tiêu biểu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực và hiệu quả.

T. Anh