Đa dạng hình thức thông tin, cảnh báo thiên tai

- Thứ Năm, 01/07/2021, 06:29 - Chia sẻ
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài, những năm qua, công tác thông tin, cảnh báo về thiên tai đã được triển khai đồng bộ và đạt được những hiệu quả nhất định. Từ đó, thiệt hại về người và tài sản đã giảm dần qua từng năm, hạn chế được thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thông tin phải “đi trước một bước”

Để công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao, một trong những giải pháp không thể thiếu, đó là công tác thông tin, tuyên truyền. Thông tin phải đi trước một bước, phải “nhanh hơn thiên tai, bão lũ”. Có như vậy, mới giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản một cách tối đa.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài cho biết, hình thức tuyên truyền về phòng chống thiên tai đã được thực hiện đa dạng, phong phú, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các tổ chức đảng, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học... Để tạo lan tỏa ý thức phòng chống thiên tai trong cộng đồng, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tổ chức nhiều hình thức truyền thông như tổ chức cuộc thi cho Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; thiết lập Facebook; Zalo, soạn lời mới cho các làn điệu dân ca để tuyên truyền phòng chống thiên tai; phát hành tờ rơi, tờ gấp bằng bằng tiếng dân tộc về phòng chống thiên tai; nhắn tin SMS tới 104 triệu thuê bao để cảnh báo thiên tai…

Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đã tích cực triển khai Đề án 1002 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Theo đó, trong năm 2020, các cấp ngành đã tổ chức tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cho 3.097 lượt cán bộ và người dân 3 cấp tỉnh, huyện, xã tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có cả người khuyết tật; tích cực đẩy mạnh việc gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình xã điểm tại các vùng miền để nhân rộng trên cả nước.

Một hình thức khác cũng được Tổng cục Phòng chống thiên tai chú trọng trong công tác truyền thông là khai thác tiện ích từ mạng xã hội. Giữa năm 2018, đơn vị đã đưa vào hoạt động Fanpage: “Thông tin phòng, chống thiên tai”, một địa chỉ cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình thiên tai một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Các bài viết đăng tải trên Fanpage có tính tương tác rất cao, qua đó, người dân cả nước, đặc biệt là người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai có thể chia sẻ tình hình thực tế tại nơi mình sống ngay tức thì bằng điện thoại hay máy tính có kết nối Internet.

Bên cạnh đó, để người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp, kịp thời nắm bắt thông tin về phòng chống thiên tai; các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chủ trì xây dựng nội dung “Bản tin thiên tai”, chạy trên Website của tổng cục. Bản tin được xuất bản định kỳ hằng tuần, qua đó cập nhật các hoạt động của lĩnh vực phòng chống thiên tai; thông tin dự tính, dự báo và những kinh nghiệm hay để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.

Công tác thông tin, cảnh báo về phòng chống thiên tai được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả

Tránh tư tưởng chủ quan, lơ là

Ông Đặng Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, với chức năng cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng chống thiên tai, Vụ đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, nghiên cứu tuyên truyền nội dung phòng chống thiên tai phù hợp với từng đối tượng người dân.

Theo đó, 3 nội dung tập trung tuyên truyền được chú trọng, gồm: tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai; tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; biểu dương, nhân rộng tập thể, cá nhân tiêu biểu; sáng kiến, mô hình hay, giải pháp hữu ích của địa phương, đơn vị; đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với công tác phòng chống thiên tai; hành vi tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang hoang trong cộng đồng.

Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, cảnh báo trong phòng chống thiên tai cũng được chú trọng. Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị các đơn vị, sở ngành tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản dưới luật, các chỉ thị về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong nhân dân, nhằm tránh tư tưởng chủ quan, lơ là đối với công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai. Tập trung phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng” trong việc ứng phó khi thiên tai xảy ra, nhất là thiên tai trong điều kiện kết hợp phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh Covid-19.

 

Mô hình Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, tỉnh Thanh Hóa mới đây cũng vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, tổ dân phố, người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa tiến hành triển khai Kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên tai đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trong đó, nổi bật bởi các nội dung về thông tin, tuyên truyền, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuyên truyền việc triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét…

T. T