Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

- Thứ Bảy, 14/07/2012, 08:36 - Chia sẻ
Cuối tháng 3.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là mục tiêu tổng quát của Chương trình và được coi là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là vấn đề từ lâu được Nhà nước quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 52 triệu người dân sống ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 75% (trong đó có tới 35% là đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế). Tuy nhiên, việc cấp nước sạch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đơn cử, theo quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch và vệ sinh môi trường Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030, thì năm 2015 có 90% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% dân số được sử dụng nước sạch; giai đoạn từ 2016 - 2020, 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 80% dân số được sử dụng nước sạch. Song, hiện có 84% dân số nông thôn Hà Nội được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế chỉ chiếm 32%. Oái ăm hơn, người dân không có nước sạch để dùng nhưng lại có hàng chục công trình nước sạch tại vùng nông thôn ngoại thành có giá trị tiền tỷ đang bị đắp chiếu bởi công tác quản lý sau đầu tư chưa thực sự tốt, do nguồn nước, do công nghệ đã quá lạc hậu…

Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 đặt ra mục tiêu cụ thể, đến cuối năm 2015, phấn đấu 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch. Về vệ sinh môi trường, phấn đấu 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dự kiến nguồn huy động vốn trong giai đoạn 2012-2015 lên tới 27.600 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 4.100 tỷ đồng (chiếm 14,9%); ngân sách địa phương 3.100 tỷ đồng (chiếm 11,2%); viện trợ quốc tế 8.200 tỷ đồng (chiếm 29,7%); vốn tín dụng ưu đãi là 9.100 tỷ đồng (chiếm 33%) và vốn dân và tư nhân là 3.100 tỷ đồng (chiếm 11,2%). Như vậy, vốn đóng góp của tư nhân, người dân và vốn tín dụng ưu đãi chiếm tỷ trọng rất cao lên tới 12.200 tỷ đồng, chiếm tới trên 45%.

Theo Chánh văn phòng Chương trình Môi trường Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hạ Thị Thanh Hằng, hiện nay, ngoài các nhà tài trợ lớn như WB, JICA, ADB, Chương trình còn nhận được sự tham gia của 22 tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn dựa vào vào ngân sách nhà nước và tài trợ quốc tế thì khó hoàn thành mục tiêu, trong khi chúng ta đang hướng tới vấn đề hiệu quả, bền vững. Do vậy, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Hằng, việc đầu tư cho các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phải phù hợp với từng vùng miền. Trong đó chú trọng ưu tiên vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa bằng cách ưu tiên nguồn lực đầu tư và đào tạo nâng cao năng lực để quản lý, tiếp cận, vận hành... Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tham gia một cách tích cực và chủ động; việc thực hiện phải gắn liền với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, khuyến khích tổ chức những cuộc họp thôn, bản...

Nam Khánh