Phát triển thị trường bảo hiểm vi mô:

Đa dạng loại hình tổ chức cung cấp

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 13:15 - Chia sẻ
Bảo hiểm vi mô là hình thức kinh doanh không nhằm mục tiêu lợi nhuận, hướng tới đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Vì vậy, góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng nên quy định đa dạng loại hình tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô để khuyến khích sự tham gia không chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm chuyên nghiệp mà cả các tổ chức khác, tạo ra nhiều kênh đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người dân có thu nhập thấp.

Độ bao phủ thấp

Hiện nay nước ta có khoảng 6,46% dân số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương đương khoảng 10 triệu người nhưng mới chỉ có một số công ty bảo hiểm thương mại lớn như Bảo Việt, Bảo hiểm Dầu khí, Manulife… tham gia thị trường bảo hiểm vi mô. Tính đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ cung cấp được hơn 360.000 hợp đồng, tương đương 3% người nghèo có bảo hiểm vi mô.

Thời gian qua, Chính phủ đã cho phép 2 tổ chức là Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng - CFRC (trực thuộc Trung ương Hội khuyến học Việt Nam) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô với tính chất tương hỗ, hỗ trợ các thành viên vay vốn trong cùng tổ chức. Tuy nhiên, từ năm 2017, Chính phủ đã dừng việc triển khai thí điểm của CFRC và ngày 21.5.2021 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có Tờ trình Chính phủ đề xuất dừng việc triển khai thí điểm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Phát  triển  thị  trường  bảo  hiểm 
Nguồn  ITN

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, bảo hiểm vi mô chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chuyên nghiệp tham gia do Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 chưa có quy định riêng về tổ chức cung cấp loại hình bảo hiểm này. Các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về vốn, chi phí phân phối như đối với các sản phẩm thương mại thông thường, trong khi khó xây dựng mô hình thu phí bảo hiểm vi mô vừa hiệu quả vừa đơn giản. 2 trong 3 doanh nghiệp từng cung cấp là Prudential và Dai-ichi đã ngừng triển khai sản phẩm này.

Phát huy vai trò của hợp tác xã

Trên thế giới đang tồn tại 4 mô hình tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô được pháp luật điều chỉnh là doanh nghiệp bảo hiểm thương mại và tổ chức chuyên cung cấp bảo hiểm vi mô (gồm doanh nghiệp bảo hiểm vi mô, tổ chức tương hỗ và hợp tác xã). Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới đã dành một chương về bảo hiểm vi mô với quy định có 2 loại hình được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô là doanh nghiệp bảo hiểm thương mại và tổ chức tương hỗ. Theo Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hồ Thị Quý, điều này thể hiện sự tiến bộ của pháp luật, bám sát nhu cầu, thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài 2 loại hình trên, để thúc đẩy thị trường bảo hiểm vi mô phát triển mạnh cần cân nhắc bổ sung thêm loại hình doanh nghiệp bảo hiểm vi mô và hợp tác xã.

Bảo  hiểm  nông  nghiệp còn  nhiều tiềm  lực
Nguồn  ITN

Trên thế giới, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hợp tác xã bảo hiểm chiếm phần lớn, ít có tổ chức bảo hiểm thương mại hoạt động trong lĩnh vực này bởi lợi nhuận không cao. Mặt khác, Luật Hợp tác xã năm 2012 không giới hạn về ngành nghề hoạt động của hợp tác xã, nếu quy định như dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa hai luật.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy hệ thống hợp tác xã là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phổ biến và hiệu quả của bảo hiểm vi mô, do hợp tác xã có mạng lưới rộng khắp với số lượng thành viên lớn, các thành viên có đặc điểm nhân khẩu học phù hợp. Bảo hiểm vi mô cũng phù hợp với tôn chỉ hoạt động của hợp tác xã về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, giúp bảo đảm an ninh tài chính của cá nhân thành viên hợp tác xã cũng như sự ổn định của nông nghiệp và an sinh xã hội. Quan trọng nhất là hợp tác xã có thể thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên tinh thần tương hỗ với chi phí thấp, nhanh và tận tụy với người dân - điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm khó thực hiện.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), hợp tác xã bảo hiểm chỉ đứng thứ 2 sau hợp tác xã nông nghiệp trong danh sách 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia khuyến khích hợp tác xã cung cấp dịch vụ bảo hiểm và bảo hiểm trở thành hoạt động quan trọng hàng đầu của các hợp tác xã. Tại Nhật Bản, bảo hiểm là một trong những hoạt động hỗ trợ quan trọng nhất mà các liên đoàn hợp tác xã đều thực hiện với trên 38 triệu thành viên, chiếm khoảng ¼ dân số sử dụng bảo hiểm do hợp tác xã cung cấp.

 

Hoàng Tuấn