Đã đến lúc tính tới bối cảnh hậu dịch!

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 06:09 - Chia sẻ
Thời điểm này, điều cần nghĩ tới không chỉ là vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 mà còn phải xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế để sớm bắt nhịp với đà tăng trưởng của thế giới sau khi khống chế được dịch bệnh.

Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước TRẦN VĂN LĨNH:
Doanh nghiệp đã vượt lên nỗi sợ

Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị cùng những chủ trương đúng đắn và sự góp sức của doanh nghiệp, người dân, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương.

Ngành thủy sản cũng gặp muôn vàn khó khăn song năm ngoái vẫn tăng trưởng hơn 20% và nửa đầu năm nay tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, sức lực của doanh nghiệp cũng dần bị bào mòn khi dịch bùng phát lần thứ 4. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa một thời gian dài! Những đơn vị áp dụng “3 tại chỗ” đối mặt với bài toán chi phí tăng nhưng công suất giảm và thiếu hụt nguyên liệu do các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách…

Ở góc độ khác, cá nhân tôi cảm nhận rằng, sau thời gian dài đối mặt với dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề dường như đã phần nào thích ứng và vượt qua nỗi sợ, nỗ lực gấp 10 - 20 lần, chứ không phải 5 - 10 lần, để duy trì sản xuất. Điều đó thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, không chỉ giữ chân tài sản lớn nhất là người lao động, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu kép, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng, để tạo được sức mạnh cộng hưởng giúp nền kinh tế nhanh chóng bắt kịp xu thế phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp rất cần “bàn tay” của Nhà nước.

Có thể nói, chúng ta đang trên hai “mặt trận”: Chống dịch và sản xuất. Thời gian qua, chúng ta đã ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, bây giờ cần ưu tiên cho những người sản xuất - những “người lính” giữ đà tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, cần tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt trong những nhóm ngành liên quan đến chuỗi đời sống của nhân dân. Chính phủ cũng cần hỗ trợ thiết thực hơn về mặt tài khóa, tài chính để doanh nghiệp đủ sức vượt qua cơn bĩ cực này. Tôi tin rằng, nếu có những quyết sách nhanh, trọng tâm, đúng đối tượng, kinh tế nước ta sẽ sớm phục hồi khi dịch bệnh qua đi.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI:
Củng cố trụ cột doanh nghiệp

Doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng đang trải qua chuỗi ngày vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ khó khôi phục sản xuất trong thời gian tới.

Chúng tôi hiểu rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ là chung tay với các cấp chính quyền và nhân dân cả nước chống dịch mà còn thể hiện ở việc luôn cố gắng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh vì doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp trong ngành đã luôn nỗ lực để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất. Minh chứng là 7 tháng năm nay, xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 23 tỷ USD - kết quả tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.

Tuy vậy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu thì doanh nghiệp sẽ càng suy kiệt. Nói cách khác, để có thể bắt kịp đà phục hồi sau khi khống chế dịch bệnh, chúng ta phải xây vững trụ cột là doanh nghiệp.

Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là người lao động được tiêm vaccine vì chỉ khi sức khỏe được bảo vệ an toàn, thì họ mới yên tâm quay trở lại làm việc tại nhà máy. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cũng đang là gánh nặng của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ xem xét giảm 30% giá điện đến hết năm 2021; các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022 để doanh nghiệp có nguồn tiền trả lương cho người lao động.

Ngành dệt may nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung luôn hy vọng những nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch sẽ sớm có được những kết quả tích cực. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân cả nước trong công cuộc đầy cam go này!

Các quyết sách nhanh, trọng tâm, đúng đối tượng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam bắt kịp đà phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát
Nguồn: ITN

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - TS. VÕ TRÍ THÀNH:
Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ

Kinh tế Việt Nam có phục hồi trong những tháng cuối năm hay không phụ thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch hiện nay, hiệu quả triển khai chiến lược vaccine và các biện pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng.

Ở thời điểm này, chiến thuật của Việt Nam không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới sau khi khống chế được dịch. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn.

Thời gian tới, chắc chắn phải có một chương trình phục hồi, phát triển, trong đó phải xác định sống chung với dịch ngay cả khi đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc có thuốc đặc trị. Đồng thời, cần các chính sách, giải pháp kích thích kinh tế, thúc đẩy những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực, tạo ra nền kinh tế năng động hơn.

Đặc biệt, phải tiếp tục cải cách toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa. Từ năm 2020 đến nay, chúng ta tập trung chống dịch nên cải cách môi trường kinh doanh bị chùng xuống. Những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục cải cách thể chế bao gồm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo ra nền tảng giúp nâng cao mức độ thị trường của nền kinh tế. Cần xây dựng và phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất để huy động được nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn lực, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh.

NHUNG - QUỲNH - TRANG ghi