Đà Nẵng dành hơn 140 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công

- Thứ Năm, 30/09/2021, 05:44 - Chia sẻ
Với hơn 140 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công giai đoạn 2021 - 2025, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp…

Trên cơ sở hiệu quả về nhiều mặt của chương trình khuyến công, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Chương trình khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện gần 146 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng - đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai chương trình này, cho biết: Chương trình khuyến công ngày càng được Nhà nước quan tâm. Đơn cử, nếu như giai đoạn trước năm 2020, kinh phí đầu tư cho chương trình này từ nguồn hỗ trợ của Trung ương chỉ 5,2 tỷ đồng thì trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng mạnh lên 19,5 tỷ đồng; tương tự, từ nguồn hỗ trợ của thành phố tăng mạnh từ 5,8 tỷ đồng lên hơn 35 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình khuyến công còn đa dạng và mở rộng danh mục ngành nghề hỗ trợ với mục tiêu ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thụ hưởng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở; tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ sở sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp…

Theo Sở Công thương Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình khuyến công trên địa bàn đạt hơn 63 tỷ đồng, trong đó huy động từ nguồn hỗ trợ của Trung ương hơn 5,2 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của ngân sách thành phố gần 5,8 tỷ đồng, còn lại là huy động từ nguồn vốn tự có, vốn vay ngân hàng của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Từ nguồn kinh phí này, thành phố đã triển khai được 89 đề án, tập trung nhiều nhất vào hoạt động hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nâng cao năng lực quản lý…

Ông Hồ Phước Cường, đại diện Cty TNHH MTV Sản xuất & Thương mại Đại Cường, chia sẻ: Từ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng, năm 2020, công ty đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất bún tươi có tổng vốn đầu tư gần 1,6 tỷ đồng. Nhờ sản xuất theo quy trình khép kín với máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm bún không có mùi chua, sợi bún trắng hơn và dai, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản lượng sản xuất bún tăng lên gấp nhiều lần so với làm thủ công, có thể đạt công suất tối đa 5.000 tấn bún/ngày.

PHÚ NAM