Đã xử lý trên 4.500 vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ

- Thứ Ba, 12/06/2012, 15:21 - Chia sẻ
Đây là thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Chương trình Hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn I (2006 – 2010) và ký kết giai đoạn II (2012 – 2015), tổ chức ngày 12/6, tại Hà Nội.

Chương trình Hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT(Chương trình Hành động 168) giai đoạn I được ký kết giữa các Bộ: Khoa học và Công nghệ; VH, TT và DL; NN và PTNT; Tài chính; Công thương; Công an; Thông tin và Truyền thông. Sau 5 năm thực hiện, công tác xây dựng pháp luật, tăng cường các hoạt động thực thi bảo vệ quyền SHTT đã và đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm thực thi của Việt Nam khi gia nhập WTO. Chương trình đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, góp phần đáng kể vào việc phòng, chống xâm phạm quyền SHTT. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ và các địa phương đã xử lý trên 4.577 vụ vi phạm về quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 19,7 tỷ đồng, giá trị hàng hóa, phương tiện vi phạm hàng chục tỷ đồng.
 
Cũng trong giai đoạn này, hệ thống luật pháp về SHTT không ngừng được hoàn thiện; hoạt động trao đổi cung cấp thông tin giữa các Bộ tham gia Chương trình và các địa phương trong cả nước tiếp tục được tăng cường, nhất là trong việc xử lý các vụ việc cụ thể có tính chất phức tạp, cần có sự tham vấn giữa các bên. Ngoài ra, các Bộ, cơ quan Trung ương đã có sự hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả cho các địa phương đẩy mạnh hoạt động đào tạo tập huấn và hợp tác quốc tế và hỗ trợ các hoạt động của tổ chức quản lý tập thể quyền sở hữu chứng nhận, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai Chương trình Hành động 168. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được thực hiện đồng bộ, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân khác. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm quyền SHTT còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc xâm phạm còn chưa được xử lý hịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương không được cập nhật, gây khó khăn cho công tác hướng dẫn, điều hành của các bộ chức năng.
 
Hội nghị nhận định, trong những năm tiếp theo, việc thực thi các cam kết quốc tế về SHTT, đặc biệt là việc phải bảo đảm cơ chế thực thi quyền SHTT một cách có hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia của các cơ quan tư pháp. Theo đó, Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn II (2012 - 2015) sẽ có 9 bộ, ngành liên quan tham gia ký kết; ngoài 7 Bộ đã tham gia từ giai đoạn I sẽ có thêm Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các lĩnh vực cơ bản liên quan đến thực thi quyền SHTT giai đoạn này sẽ bao gồm: quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và quyền đối với giống cây trồng. Chương trình hoạt động trong phạm vi: hợp tác pháp lý; đẩy mạnh thực thi quyền SHTT; tuyên truyền giáo dục; đào tạo cán bộ; hợp tác trao đổi thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, đại diện cho chủ thể quyền và hợp tác quốc tế.

Phạm Liên