Kế hoạch, chiến lược phòng chống dịch

Đặc biệt chú trọng vai trò y tế dự phòng

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:52 - Chia sẻ
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Xã hội cho rằng, kế hoạch, chiến lược phòng, chống dịch năm 2022 và giai đoạn tiếp theo cần ban hành sớm để tránh bị động và phải đặc biệt chú trọng vai trò của y tế dự phòng.

 Ban hành sớm để tránh bị động

- Bộ Y tế vừa bắt tay xây dựng kế hoạch, chiến lược phòng, chống dịch năm 2022 và giai đoạn tiếp theo nhằm định hình hướng đi, chiến lược chống dịch quốc gia. Quan điểm của bà thế nào về việc này?

Ảnh: Q.Khánh

- Tôi cho rằng, muốn phòng, chống dịch hiệu quả phải luôn đi trước một bước, chặn đầu dịch chứ không phải đuổi theo dịch. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo là hết sức cần thiết và quan trọng; đồng thời cần được ban hành sớm để tránh rơi vào thế bị động.

- Theo bà, phòng chống dịch những năm tiếp theo cần chú ý vấn đề gì?

- Khi xây dựng kế hoạch, chiến lược cho giai đoạn tới, cần nhìn lại toàn cảnh công tác phòng, chống dịch của nước ta trong giai đoạn vừa qua. Phải xem xét tỉ mỉ và đánh giá khách quan trên mọi khía cạnh, từ vấn đề chung như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, khả năng ứng phó của ngành y tế, ý thức tuân thủ của người dân và sự chung tay góp sức của toàn xã hội; đến những vấn đề cụ thể mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, thuốc, vaccine, kiểm soát nguồn lây… từ đó tổng kết, rút bài học kinh nghiệm.

Cùng với đó, tham khảo các biện pháp, kinh nghiệm phòng chống dịch của thế giới, đặc biệt là những nước có đặc điểm gần với Việt Nam, xem xét cả khía cạnh thành công và thất bại. Trên cơ sở đó đặt ra các mục tiêu và giải pháp phù hợp, sát với thực tế.

Đặc biệt, khi xây dựng chiến lược phải hết sức chú ý đến tính dự báo. Dự báo sát thì hướng đi sẽ đúng và tiết kiệm được tối đa nguồn lực. Trước mắt, chúng ta vẫn phải tập trung vào vấn đề kiểm soát nguồn lây và tiêm phòng vaccine diện rộng. Về lâu dài, cần củng cố, tăng cường năng lực cho y tế dự phòng và y tế cơ sở bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung cấp vaccine đầy đủ, bao phủ toàn dân cũng như chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức, sự tuân thủ các quy định phòng chống dịch của toàn xã hội.

Trạm y tế xã phải là chốt chặn

- Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng nên quay về với cái gốc y tế dự phòng. Ý kiến của bà như thế nào?

- Dự phòng là vấn đề hết sức quan trọng đối với lĩnh vực y tế nói chung và phòng chống dịch nói riêng, không chỉ với dịch Covid-19; đồng thời đúng với tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới.

Nguồn: ITN

Nếu làm tốt công tác y tế dự phòng thì có khả năng phát hiện, sàng lọc các yếu tố nguy cơ, lập kế hoạch và tổ chức triển khai được các hoạt động, chủ động đánh giá tình hình, tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, thời gian qua, y tế dự phòng chưa được đầu tư nguồn lực đúng mức. Đặc biệt, đội ngũ y tế tuyến cơ sở, yếu tố quan trọng quyết định thành công của công tác dự phòng, chưa được quan tâm xác đáng.

- Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa bà?

- Theo tôi, cần trả lại vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng với bản chất của trạm y tế xã, để trạm y tế xã thực sự là chốt chặn của ngành y tế. Muốn vậy, bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở thì cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế, ưu tiên bác sĩ cho trạm y tế xã và tạo điều kiện cho họ phát triển năng lực chuyên môn. Cùng với đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để họ sử dụng và phát huy được chuyên môn, có chế độ lương, ưu đãi phù hợp để họ yên tâm công tác tại trạm y tế xã.

- Xin cảm ơn bà!

Quang Khánh thực hiện