CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT NGUYỄN KHẮC ĐỊNH

“Đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng”

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:15 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Trao đổi về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật NGUYỄN KHẮC ĐỊNH cho biết, Chương trình được xây dựng nghiêm túc, bài bản theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Về cơ bản, các dự án được đưa vào Chương trình có sự chuẩn bị tốt về nội dung, hồ sơ các dự án đầy đủ, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Cải tiến trong tất cả các khâu

- 2017 được đánh giá là năm hoạt động lập pháp của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, đem lại nhiều kết quả quan trọng. Nhìn lại hoạt động này, dấu ấn nào là nổi bật, thưa ông?


Ảnh: Quang Khánh

Với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các ĐBQH, chuyên gia, các ngành, các cấp và của đông đảo các tầng lớp nhân dân, công tác xây dựng pháp luật năm 2017 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng văn bản được nâng cao. Tính dân chủ, công khai, minh bạch được tăng cường. Đường lối, chủ trương của Đảng được thể chế hóa kịp thời, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta trên các lĩnh vực. Đây là những kết quả cần tiếp tục phát huy trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
 Nguyễn Khắc Định

- 2017 là năm Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội thông qua 12 luật và cho ý kiến 6 dự án luật; Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã thông qua 6 luật và cho ý kiến về 9 dự án luật; UBTVQH đã thông qua 10 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, có những văn bản rất quan trọng được ban hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế thúc đẩy phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền con người, quyền công dân...

2017 - cũng là năm đầu tiên Quốc hội thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với rất nhiều điểm mới. Trên tinh thần đổi mới, quy trình lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu, từ soạn thảo, thẩm tra, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý đến xem xét, thông qua. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được đề cao trong tất cả các giai đoạn của quy trình soạn thảo, thẩm tra, trình và thông qua văn bản. Cách thức thảo luận của Quốc hội, UBTVQH được đổi mới, thời gian thảo luận tại Hội trường được tăng thêm, tính đối thoại và tranh luận, phản biện trong phát biểu xây dựng dự án luật của ĐBQH được tăng cường. Một số nguyên tắc mới trong xây dựng luật được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan thống nhất áp dụng. Các dự án được thông qua với số phiếu rất cao, hai kỳ họp đều có dự án được 100% số ĐBQH có mặt biểu quyết thông qua. Có những dự án chưa được chuẩn bị kỹ, hoặc qua thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau được Quốc hội, UBTVQH yêu cầu tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sau...

- 2017 cũng là năm Ủy ban Pháp luật đảm đương khối lượng công việc lớn, trong đó có những việc rất quan trọng, phức tạp. Ông có thể chia sẻ đôi điều về bài học kinh nghiệm qua quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban?

- Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Ủy ban Pháp luật được giao một khối lượng công việc khá lớn. Cùng với việc chủ trì thẩm tra, chỉnh lý 4 dự án luật, chủ trì giúp UBTVQH xây dựng và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Ủy ban Pháp luật còn tham gia phối hợp thẩm tra, chỉnh lý 31 dự án luật và nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Đồng thời, Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung cho Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Nhìn lại một năm qua có thể thấy, với khối lượng công việc rất nhiều, với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn, nhưng chất lượng xử lý công việc của Ủy ban Pháp luật, Vụ Pháp luật cũng được các cấp lãnh đạo, các cơ quan có liên quan tin cậy và đánh giá cao. Kỷ luật lao động, hiệu suất làm việc và tính chuyên nghiệp của thành viên Ủy ban Pháp luật, của công chức Vụ Pháp luật được phát huy. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng chưa thể thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà cần cố gắng hơn nữa, trên cơ sở một số kinh nghiệm chính được rút ra trong năm 2017.

Thứ nhất, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các năm trước, nhiệm kỳ trước, đồng thời không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp, cách thức tổ chức, thực hiện công việc với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt.

Thứ hai, phải xây dựng được chương trình, kế hoạch cho từng nhiệm vụ ngay từ đầu năm, với mỗi nhiệm vụ phải phân công công việc và giao trách nhiệm rõ ràng, có lộ trình cụ thể; trên cơ sở đó cụ thể hóa thành kế hoạch hàng quý, hàng tháng để thực hiện và trong quá trình thực hiện, tiến độ công việc phải được báo cáo, đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh phù hợp…

Thứ ba, tranh thủ được sự lãnh đạo của lãnh đạo Quốc hội, sự hỗ trợ của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan; sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan của Chính phủ.

Thứ tư, giữ vững nguyên tắc làm việc tập thể, đồng thời phát huy tối đa trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp của từng cá nhân nhất là người đứng đầu Ủy ban, người chủ trì các nhóm công tác, các bộ phận, chủ trì từng công việc… quy trình, quy chế hóa trình tự xử lý công việc; đặc biệt là phải xây dựng được một tập thể đoàn kết, nhất trí, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên chỉ đạo tại một phiên họp

Chủ động, chặt chẽ, hiệu quả

- Bước sang năm mới 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc này?

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 được trình Quốc hội thông qua từ tháng 6.2017 với sự đồng thuận cao. Đây là Chương trình được xây dựng nghiêm túc, bài bản theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, với nhiều đổi mới. Về cơ bản, các dự án được đưa vào Chương trình có sự chuẩn bị tốt về nội dung, hồ sơ đầy đủ, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Với tinh thần chủ động, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp từ rất sớm với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ, ngành trong việc giúp Chính phủ, UBTVQH chuẩn bị Chương trình trình Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào cuộc ngay từ đầu, phối hợp chặt chẽ Ủy ban Pháp luật trong việc thẩm tra đề xuất dự án thuộc lĩnh vực phụ trách; UBTVQH, Quốc hội dành thời gian xem xét, thảo luận kỹ về từng dự án...

Ngay sau khi Chương trình năm 2018 được thông qua, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết phân công cụ thể cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra và tiến độ thực hiện từng dự án thuộc Chương trình. UBTVQH cũng đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật để triển khai Chương trình và bàn sâu về các biện pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ được giao theo tiến độ đề ra.

- Với sự chuẩn bị sớm hơn so với những năm trước và chủ động vào cuộc ngay từ đầu như vậy, ông kỳ vọng gì vào việc thực hiện Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2018 này?

- Theo Chương trình năm 2018, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội sẽ thông qua 7 luật, cho ý kiến 12 dự án luật; tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội thông qua 13 luật, cho ý kiến 3 dự án luật. Đồng thời, để kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận gần đây của Trung ương Đảng, triển khai các luật, nghị quyết mới của Quốc hội, thực tiễn cuộc sống cũng đang đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật trong năm 2018, 2019.

Ngay từ cuối năm 2017, Ủy ban Pháp luật đã chủ động làm việc với các cơ quan có liên quan của Chính phủ và Quốc hội để trao đổi về đề xuất bổ sung Chương trình năm 2018, chuẩn bị cho xây dựng Chương trình năm 2019. Hiện nay, các dự án thuộc Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đang được các cơ quan tích cực chỉnh lý, hoàn thiện trình UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Nhiều dự án trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2018 cũng đã được tích cực chuẩn bị.

Phát huy những kinh nghiệm tốt của năm 2017, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan, hy vọng công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2018 và các năm tới sẽ tiếp tục có những chuyển biến tốt hơn nữa.

- Xin chân thành cảm ơn Chủ nhiệm!

Phương Thủy thực hiện